CôngThương - Sau phần thảo luận, cho ý kiến về Luật Lưu trữ, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến về dự án Luật Khiếu nại.
Trong phần thảo luận, các ý kiến của UBTVQH chủ yếu tập trung vào nội dung quy định về khiếu nại đông người. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bá cáo, ban đầu Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo còn phân vân việc có đưa nội dung này vào luật hay không. Nhưng từ tình hình thực tế hiện nay, hiện tượng này vẫn diễn ra, nếu không có điều khoản điều chỉnh thì tình hình sẽ phức tạp hơn.
Trong phần phát biểu của mình, ông Ksor Phước thể hiện sự đồng tình với nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật, tuy nhiên, ông đề nghị cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa.
Còn ông Lê Tiến Hào – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - thì cho rằng, trong thực tế, chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước – nơi ban hành các quyết định liên quan đến người dân – là thường xuyên nhận được các khiếu nại tập thể, còn các cơ quan, tổ chức khác, ít hoặc không có khiếu nại của người dân.
Ông Hào cũng cho biết, hiện có 3 trường hợp: khiếu nại; vừa khiếu nại vừa tố cáo; cả khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đông người. Vì vậy, chúng ta nên quy định trong luật, nhưng nên quy định theo hướng nhiều người khiếu nại.
Ngoài các ý kiến trên, hầu hết các thành viên UBTVQH đều nhất trí cần có quy định về khiếu nại đông người cũng như có quy định trình tự, thủ tục giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại đông người.
“Một quyết định hành chính đối với một người hay cả trăm triệu người, nếu nó đúng thì vẫn đúng, sai thì vẫn sai– ông Phùng Quốc Hiển nói- nên không cần phải đưa vào luật khái niệm khiếu nại đông người".
Sau những phân tích của mình, ông Hiển đưa ra một lưu ý rất đáng quan tâm, nếu thừa nhận trong luật về khiếu nại đông người rất có thể cả làng, cả xã, dù không có nhu cầu nhưng thấy luật quy định, họ có thể tham gia ký đơn và đi khiếu nại, gây phức tạp tình hình.
Với những ý kiến chưa thống nhất, UBTVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung dự án Luật Khiếu nại trước khi đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến trong thơi gian tới.
Theo đó, UBTVQH nhất trí đánh giá kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành tốt nội dung chương trình đề ra, bao gồm xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quyết định một số công việc quan trọng khác.
Trong thời gian làm việc, Quốc hội sẽ dành 17 ngày cho nội dung xây dựng pháp luật, gồm: xem xét, thông qua 6 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến vào 13 dự án luật. Ngoài ra, Quốc hội dự kiến dành hơn 9 ngày để xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Riêng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được dành 5 buổi (2,5 ngày).