Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã nêu bật những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí khẳng định, 70 năm đã trôi qua, song tác phẩm "Dân vận" vẫn vẹn nguyên những giá trị thời sự, thể hiện rõ tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo |
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học với những nhân tố tác động mới, những khó khăn, thách thức mới... Hội thảo hôm nay có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra...
Hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là dịp để chúng ta tiếp tục nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, về giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, vững bền của tác phảm Dân vận, đồng thời nhìn lại công tác dân vận trong 70 năm qua theo lời dặn của Người.
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, ngày 15/10/1949, tác phẩm Dân vận của Bác đã đăng trên báo Sự thật với bút danh XYZ. Thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đất nước ta đã trải qua 4 năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến. Việc nhấn mạnh, coi trọng quan hệ giữa Đảng với nhân dân, huy động sức mạnh của nhân dân cho cuộc kháng chiến là nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong giai đoạn này.
Tác phẩm Dân vận của Bác có 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Có thể nói, tác phẩm Dân vận là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của nhân dân “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Thời gian qua, công tác dân vận đã phát huy vai trò trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần phòng chống tham nhũng lãng phí; các phong trào thi đua dân vận khéo đã giúp tăng thêm niềm tin của dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới cũng phát sinh những vấn đề phức tạp, có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, nơi này, nơi kia vẫn còn tồn tại những bức xúc, có những vụ việc nghiêm trọng kéo dài, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trước dân, còn dân chủ hình thức, để lại hình ảnh chưa tốt trong nhân dân cần phải kịp thời xem xét, giải quyết thấu đáo.
Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm.
Bên cạnh đó, phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích các dự án, công trình KT-XH đem lại cho dân, cho nước... không để các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá, tạo bất ổn xã hội.
“Phải nắm chắc tình hình, tâm tư của nhân dân một cách khoa học, công khai, minh bạch, lý giải rõ ràng, thấu tình, đạt lý trước khi triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng các dự án, công trình KT-XH trên địa bàn. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động của mình, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, không chủ nghĩa cá nhân” – ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Tác giả Phương Lan (thứ 2 từ phải sang) nhận giải cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019 |
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp trao giải cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019. Cuộc thi được tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/l930-15/10/2020). Lễ phát động cuộc thi diễn ra vào ngày 13/10/2017. Năm 2019 là năm thứ hai triển khai thực hiện cuộc thi và đạt được những kết quả quan trọng.
Năm 2019, cơ quan thường trực Cuộc thi đã tiếp nhận được hơn 1.120 tác phẩm gửi về tham dự ở 4 loại hình là báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói (tăng 298 bài so với năm 2018). Qua quá trình chấm điểm độc lập theo các tiêu chí quy định của Thể lệ, thống nhất lựa chọn được 50 tác phẩm có chất lượng, tiêu biểu vào vòng Chung khảo, trong đó có 19 tác phẩm báo in; 08 tác phẩm báo điện tử; 15 tác phẩm báo hình; 08 tác phẩm báo nói. Loạt bài 2 kỳ: Công tác dân vận: Đưa Móng Cái thành điểm sáng vùng biên, tác giả Phương Lan của Vuasanca vinh dự là 1 trong 50 tác phẩm được trao thưởng đợt này.