TikToker Phan Thủy Tiên lại vướng lùm xùm quảng cáo mỹ phẩm trái quy định
Rầm rộ tặng nước hoa sau nghi vấn bán hàng nhập lậu
“Hot girl” Phan Thủy Tiên sinh năm 1997, tại Hà Nội. Cô được nhiều người biết đến khi sở hữu kênh TikToker với gần 5 triệu lượt theo dõi, Fanpage Facebook với hơn 400 nghìn lượt thích. Vì thế, những buổi livestream bán hàng của Thủy Tiên nhận được sự quan tâm của cộng đồng và lượng khách "chốt đơn" rất lớn.
Vừa qua, "hot girl" này vướng vào một vụ vi phạm liên quan tới lô 10.000 chai nước hoa có dấu hiệu nhập lậu, bị lực lượng Quản lý thị trường tạm giữ. Cụ thể, ngày 3/10, lực lượng Quản lý thị trường tạm giữ 10.000 chai nước hoa các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… do không có giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ, trên sản phẩm hiển thị ngôn ngữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ theo quy định.
Toàn bộ sản phẩm được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như TikToker, Facebook thông qua tài khoản Phan Thủy Tiên. Lô hàng được phát hiện, tạm giữ tại kho hàng thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Zenpali.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Zenpali hoạt động từ năm 2018. Trên website công ty, ông Lê Diên Hạnh (chồng của Phan Thuỷ Tiên) được giới thiệu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn Phan Thủy Tiên là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.
Sau khi bị lực lượng chức năng tạm giữ lô hàng hoá nghi nhập lậu nêu trên, trên kênh TikToker và Facebook chính thức của mình, Thủy Tiên vẫn đăng các clip bán hàng và gần đây nhất cô còn cho biết sẽ tổ chức một buổi livestream tặng 1.000 chai nước hoa Pháp với giá 1.000 đồng cho người tiêu dùng. Chia sẻ về vụ 10.000 chai nước hoa có dấu hiệu nhập lậu, Thuỷ Tiên cho biết vụ việc là một bài học rất lớn đối với cô.
Lực lượng Quản lý thị trường đã tạm giữ trên 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu. |
Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết quả điều tra, xác minh liên quan tới sự việc trên. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước (Hà Nội), việc buôn bán hàng giả, hàng nhái là hành vi trái luật.
Luật sư Vũ Văn Biên cho biết, tùy theo mức độ, tính chất, nội dung, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Cũng theo luật sư Biên, mặc dù đã có chế tài để xử lý việc livestream bán hàng giả, hàng nhái nhưng việc xử lý các đối tượng này là rất nan giải, khó triệt để. Ngoài ra, việc chế tài xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái hiện nay còn chưa đủ sức răn đe, không tương xứng với lợi nhuận các đối tượng thu được từ việc buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Quảng cáo mỹ phẩm có dấu hiệu trái quy định
Ngoài việc livestream bán nước hoa thì Tiktoker Thủy Tiên còn bán các mặt hàng như: Than tre hoạt tính trắng răng Royal, dầu xả than hoạt tính Dr. Herbal, Dầu gội than hoạt tính, Trị mụn King acne… Các sản phẩm này đều thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Zenpali.
Trong phiếu tiếp nhận công bố mỹ phẩm của Sở Y tế Hà Nội cấp cho sản phẩm Bột than tre hoạt tính thì sản phẩm chỉ có công dụng: Giúp làm sạch các vết ố vàng, mảng bám trên răng, giúp làm trắng răng, khử mùi hôi ở khoang miệng. Tuy nhiên, trên trang cá nhân, cả hai vợ chồng Thủy Tiên đều khẳng định sản phẩm bột trắng răng Zenpali có tác dụng trị sâu răng, chảy máu chân răng, tái tạo men răng, hiệu chỉnh màu sắc răng…
Sản phẩm bột than tre hoạt tính được quảng cáo sai với phiếu tiếp nhận công bố của Sở Y tế Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Quỳnh) |
Trong phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm của Sở Y tế Hà Nội, sản phẩm dầu gội Dr. Hair được cấp phép có công dụng: Giúp dưỡng tóc, giúp tóc mềm mượt, góp phần ngăn ngừa rụng tóc. Tuy nhiên, sản phẩm lại được Thủy Tiên thổi phồng công dụng như: Cấy tóc, cấy mi, chân mày đẹp. Một số sản phẩm dưỡng da của công ty này cũng được quảng cáo là có tác dụng trị mụn…
Sản phẩm dầu gội được quảng cáo sai với phiếu tiếp nhận công bố của Sở Y tế Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Quỳnh) |
Theo quy định tại Thông tư 09/2015/TT-BYT, Nghị định 181/2013/NĐ-CP, mỹ phẩm không có tác dụng điều trị hay chữa bệnh, sản phẩm là mỹ phẩm không được phép quảng cáo có tác dụng “tẩy sạch”, “trị bệnh” “cấy tóc, cấy mi, kích thích mọc tóc”. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 4, Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quảng cáo quy định: “Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
Điều 10, Luật Bảo vệ người tiêu dùng nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo. Che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung như hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Đối chiếu theo quy định, hành vi của Tiktoker Phan Thuỷ Tiên và chồng là có dấu hiệu chưa bảo đảm đúng theo các quy định của pháp luật. Đây là vấn đề rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo báo cáo từ Tổng cục Quản lý thị trường, đối với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 3.961 vụ vi phạm xử phạt vi phạm hành chính 54,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 12,2 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử: 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng. |