Thị trường lao động dần trở lại xu hướng phát triển bình thường Dự báo, sản xuất sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2024 |
Tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3 năm 2024 là 12.738 lao động, gồm các thị trường: Nhật Bản 6.297 lao động, Đài Loan 5.487 lao động, Hàn Quốc 288 lao động, Trung Quốc 169 lao động, Singapore 116 lao động, Rumani 54 lao động và các thị trường khác.
Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 35.933 lao động (11.483 lao động nữ) đạt 28,74% kế hoạch năm 2024, (năm 2024, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 125.000 lao động), trong đó thị trường: Nhật Bản 23.364 lao động, Đài Loan 9.781 lao động, Hàn Quốc 707 lao động, Trung Quốc 398 lao động, Singapore 270 lao động, Rumani 219 lao động, Thái Lan 190 lao động, Macao 169 lao động, Ả-rập Xê-út 147 lao động, Hungary 108 lao động và các thị trường khác.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao, phối hợp hiệu quả, kịp thời của các đơn vị trong và ngoài Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng như các địa phương. Năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 159.986 lao động (55.804 nữ), đạt 133,3 % kế hoạch được giao.
Trong năm 2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao đưa 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động; đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan hữu quan và địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Sản xuất công nghiệp khởi sắc nên nhu cầu tuyển dụng lao động tại các địa phương tiếp tục tăng cao. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ở trong nước, do sản xuất công nghiệp khởi sắc nên nhu cầu tuyển dụng lao động tại các địa phương tiếp tục tăng cao. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi), thị trường lao động thành phố cần khoảng 64.500 lao động tại 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ, chiếm 78% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố trong quý I/2024, tăng 13% so với quý 1/2023.
Falmi dự báo, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong quý II/2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng, dao động trong mức 75.470 - 77.168 chỗ làm việc.
Tại Hà Nội, tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 5,6% và phần lớn các lĩnh vực đều tăng trưởng, kéo theo nhiều lao động có việc làm. Số lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2024 hơn 45.600 người, đạt 27,6% kế hoạch năm, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong quý I/2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 54 phiên giao dịch việc làm với 1.715 đơn vị, doanh nghiệp tham gia và 11.500 lượt người được phỏng vấn, kết quả hơn 3.700 người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch; có 1.100 người được giải quyết đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; 26.900 người được tạo việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố.