Kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang: Bàn giải pháp “vượt khó” 6 tháng cuối năm |
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,87%
Theo Báo cáo Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 vừa được UBND tỉnh Hà Giang công bố, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang ước đạt 6.768,94 tỷ đồng, tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm trở lại đây. Đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Hà Giang (IIP) có mức tăng khá ngoạn mục: 23,87%. Cụ thể, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,04%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,01%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước tăng 30,03%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,71%.
Một số sản phẩm có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+244,79%); sản xuất chế biến thực phẩm (+75,87%); sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (+73,50%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+74,18%); sản xuất đồ uống (+31,15%)…
Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ như: Sản xuất xe có động cơ giảm 91,07%, (nguyên nhân do Công ty CP giải Phóng không nhập khẩu được linh kiện lắp ráp); in, sao chép bản ghi các loại giảm 44,02%; sản xuất trang phục giảm 3,11%;…
Tỉnh Hà Giang xếp thứ 3 trong số các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022 |
Theo giá thực tế, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 của Hà Giang ước đạt 3.847,7 tỷ đồng, tăng 25,18% so với cùng kỳ.
Công nghiệp tăng trưởng, kéo theo chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Hà Giang 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,53% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng mạnh như: Sản xuất đồ uống tăng 24,38%; dệt tăng 37,21%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 51,99%;...
Song song với đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Hà Giang liên tục giảm, so với 6 tháng đầu năm 2021, tổn kho giảm tới 50,06%. Trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh hơn mức giảm chung so với cùng thời điểm năm trước như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 72,6%; sản xuất đồ uống giảm 90,71%; sản xuất trang phục giảm 83,87%,...
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang cho thấy: có tới 85,18% số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở Hà Giang cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2022 tốt lên nhiều so với quý I/2022.
Dự báo quý III/2022 xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang lạc quan hơn so với quý II/2022, khi mà có 85,18% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên và giữ nguyên (62,96% doanh nghiệp dự báo tốt lên; 22,22% giữ nguyên), chỉ có 14,81% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn hơn.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thực tế, 6 tháng đầu năm 2022, giống như nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Hà Giang cũng phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thiên tai gây hại diễn biến phức tạp; giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – ông Nguyễn Văn Sơn – tỉnh Hà Giang có thuận lợi nhất định, đó là địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển – kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các Chương trình, Nghị quyết chuyên đề, Chương trình, kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã ban hành, triển khai và đang phát huy hiệu quả. Đây cũng là thời điểm cả nước tiếp tục thực hiện nhất quán thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ được triển khai quyết liệt…
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang |
Những thuận lợi trên cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sát của UBND tỉnh Hà Giang; đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân… đã trở thành đòn bẩy để kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch
Trong đó, bên cạnh các giải pháp chung cho các lĩnh vực, với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để đạt được kết quả tăng trưởng cao, ngay từ đầu năm 2022 tỉnh Hà Giang đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục nhanh các hoạt động sản xuất – kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất. Đôn đốc các nhà máy đang vận hành đảm bảo công suất thiết kế, như: Dây chuyền tuyển quặng sắt Nam Lương; Nhà máy luyện feromangan Bình Vàng.
Chủ động huy động nguyên liệu đầu vào trên địa bàn tỉnh, đồng thời định hướng cho doanh nghiệp thu mua nhập khẩu từ các nguồn khác trong và ngoài nước. Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các dự án thuỷ điện đã thi công theo kế hoạch đề ra; Hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình thuỷ điện Mận Thắng; Khởi công 1 số dự án thuỷ điện trên địa bàn Sông Chảy 1, Tân Tiến, Túng Sán 1…
Để các chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tỉnh Hà Giang đã và đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong nước… Trong đó, trước mắt, quản lý và vận hành tốt các nhà máy thủy điện; duy trì sản lượng các nhà máy hoạt động chế biến khoáng sản; thúc đẩy sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sản xuất, chế biến sớm đi vào hoạt động.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Bắc Giang tăng 48,9%; Quảng Nam tăng 25,4%; Hà Giang tăng 23%; Bình Phước tăng 23,7%; Sơn La tăng 14,4%; Đắk Lắk tăng 10%; Bắc Ninh tăng 19,8%; Bạc Liêu tăng 8,9%. |