Tỉnh Quảng Ninh: Hơn 2.000 m3 rác thải trên Vịnh Hạ Long đã được thu gom Tỉnh Quảng Ninh: Giải cứu thành công 2 công nhân mỏ mắc kẹt trong hầm lò |
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn ra quân để tổ chức thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác quản lý, thu hồi các vật liệu nuôi trồng thủy sản vẫn chưa được triệt để. Trên mặt biển còn nhiều bè mảng hỏng, phao xốp trôi nổi, bám vào vách núi, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cản trở tuyến luồng giao thông thủy và du lịch biển khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
Tại một số chân núi, có nhiều bè mảng, phao xốp trôi dạt bám vào vách núi, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cản trở tuyến luồng giao thông thủy và du lịch biển khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Rác thải, phao xốp trôi nổi ở trên vịnh Hạ Long (Ảnh QMG) |
Sau khi kiểm tra thực địa, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Nguyên nhân chính khiến lượng rác thải, phao xốp trôi nổi ở trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là do các địa phương mới chỉ quan tâm đến hoàn thành việc tháo dỡ, di dời số lượng công trình nuôi trồng trái phép. Khi người dân thực hiện tháo dỡ, di dời, các địa phương đã không vào cuộc cùng với người dân ngay từ ban đầu, không tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, giám sát mà để cho người dân thực hiện một cách tự phát, dẫn đến người dân không có ý thức trách nhiệm đối với việc thu gom rác tại chỗ.
Để đảm bảo cảnh quan môi trường, phục vụ cho mùa du lịch sắp tới, ông Cao Tường Huy yêu cầu TP. Hạ Long phối hợp cùng Ban Quản lý vịnh Hạ Long tăng cường nhân lực, nguồn lực thực hiện thu gom rác thải, phao xốp, đảm bảo phải thu gom xong toàn bộ phao xốp trôi nổi trên vịnh Hạ Long trước ngày 28/4; yêu cầu các địa phương phải kiên quyết thu gom tất cả lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép để đưa vào các vùng nuôi có trong quy hoạch; kiên quyết cưỡng chế, tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép xong trong tháng 4/2023.
Trong quá trình thu gom, cưỡng chế phải có sự giám sát của địa phương để mang đi xử lý theo quy định; tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân hoàn thành việc thay phao xốp bằng vật liệu HDPE theo đúng chỉ đạo của tỉnh đối với các khu vực nuôi trồng đã được di chuyển vào trong vùng quy hoạch.