Bộ Ngoại giao thông tin chưa có người Việt thương vong do xung đột Israel - Hamas Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng địa phương trong công tác hội nhập quốc tế |
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với sự tham dự của các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện được tiến cử. Đây là hội nghị quan trọng không chỉ với ngành ngoại giao, mà còn với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ở các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Chủ đề của hội nghị lần này là “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, phản ánh rõ tính chất và nội dung trọng tâm của hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan triển lãm ảnh về thành tựu đối ngoại từ sau Đại hội XIII của Đảng (Ảnh: Báo QĐND) |
Bên cạnh đánh giá và dự báo tình hình quốc tế, hội nghị sẽ kiểm điểm, đánh giá toàn diện kết quả hai năm triển khai vừa qua và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, đề án quan trọng về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Từ đó đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm và các biện pháp cần tập trung triển khai đến hết nhiệm kỳ khóa XIII và những năm tiếp theo. Hội nghị lần này cũng là dịp để ngành ngoại giao trao đổi một số vấn đề lớn, mới về đối ngoại để đóng góp vào tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đối ngoại trong thời kỳ đổi mới.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận sâu rộng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển ngành ngoại giao, nhất là những vấn đề then chốt như công tác cán bộ, xây dựng Đảng, cơ chế chính sách về đối ngoại, đổi mới lề lối làm việc với quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao vững mạnh toàn diện, hiện đại.
Bộ Ngoại giao cho biết, từ sau kỳ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến gần cuối năm 2023, có khoảng 200 hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao; 45 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tới các nước láng giềng, đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Chiều ngược lại, Việt Nam tiếp đón gần 50 đoàn cấp cao của các nước, Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế. Hoạt động ngoại giao cấp cao với nhiều mục đích, đa lĩnh vực, tăng cường lòng tin chiến lược, chuyển hóa lợi thế quan hệ chính trị, ngoại giao thành lợi ích kinh tế, tạo đột phá, mở đường, thúc đẩy hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh...
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: baoquocte.vn |
Đồng thời, triển khai toàn diện hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực theo một chiến lược, kế hoạch tổng thể. Ngoại giao kinh tế là mũi đột phá, được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc về lượng và chất. Trong gần hai năm qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 120 đoàn làm việc với các địa phương, hơn 100 hoạt động kết nối các đối tác quốc tế quan trọng, hỗ trợ ký kết hơn 250 văn bản hợp tác kinh tế quốc tế. Nhanh chóng chuyển từ ngoại giao vaccine sang phục vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hội nhập, gắn kết kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, khu vực; duy trì chuỗi cung ứng, khai thác, tranh thủ mọi cơ hội, thu hút các nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển đất nước.
Triển khai ngoại giao văn hóa với hình thức, nội dung phong phú, đặc sắc; tuyên truyền, giới thiệu truyền thống, di sản văn hóa dân tộc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giao lưu văn hóa, lan tỏa giá trị, hình ảnh đất nước, dân tộc, gắn kết văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa thế giới. Ngoại giao văn hóa trở thành con đường hấp dẫn, tạo nền tảng tinh thần, sức mạnh mềm, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển du lịch, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác. Đồng thời là công cụ hữu hiệu để thông tin về bản chất dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam.