6 trọng tâm để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường Nâng cao vai trò của Nhà nước trong vận hành kinh tế thị trường |
Ngày 6/11, Đoàn khảo sát thực tế nhóm 2 - Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương (phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) do ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng nhóm 2 (trưởng đoàn) đã có buổi làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn khảo sát thực tế nhóm 2 - Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Việt Dũng) |
Góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới
Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát thực tế nhóm 2 - Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương tập trung thảo luận những kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh từ thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng. Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua là nhiệm vụ cần thiết, nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, định hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh S. Hải) |
Qua đó, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng ghi nhận và đánh giá những thành tự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Thành phố là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới, trở thành động lực, đầu tàu kinh tế, hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, để tiếp tục phát huy tối đa có hiệu quả vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng TP. Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới giai đoạn tới, Đảng và Nhà nước đã chủ trương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố.
Trong đó, Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là những cơ chế, chính sách để TP. Hồ Chí Minh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững
Báo cáo tóm tắt về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đoàn khảo sát thực tế, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, chuỗi công viên phần mềm, khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh…
Đáng chú ý, các thành phần kinh tế phát triển cả về lượng và chất, quy mô ngày càng tăng, đặc biệt là kinh tế ngoài Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP. Hồ Chí Minh theo giá hiện hành gấp 2,9 lần so với năm 2010. Trong đó, kinh tế Nhà nước gấp 1,6 lần, kinh tế ngoài Nhà nước gấp 3,1 lần, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gấp 4,3 lần.
Theo Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, trong giai đoạn gian tới, kinh tế TP. Hồ Chí Minh tập trung vào những định hướng phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp xanh, năng lượng xanh, gắn với liên kết vùng. Đồng thời, phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Để đạt được các mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai quyết liệt, đưa hai nghị quyết quan trọng đối là Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98 của Quốc hội nhanh chóng đi vào thực tiễn. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh rà soát và đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Cùng với đó, tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp...
TP. Hồ Chí Minh là địa phương nhận nhiệm vụ báo cáo 7/8 nội dung tổng kết của Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. |