Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo "Năng lượng tái tạo xu thế tất yếu và giải pháp thúc đẩy phát triển trong tương lai" do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng tổ chức Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức ngày 25/8.
Nhiều tiềm năng phát triển
Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, Việt Nam có tiềm năng đặc biệt lớn về các nguồn năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và xu thế xanh hóa quá trình sản xuất trên thế giới, khu vực phía Nam trong đó có TP. Hồ Chí Minh được đánh giá cao với nhiều lợi thế và động lực để đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo.
Theo số liệu khảo sát của đề án quy hoạch phát triển điện lực TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 thì vào mùa khô số giờ nắng lên đến khoảng 300 giờ/tháng (tháng 10), vào mùa mưa số giờ nắng lên đến khoảng 150 giờ/tháng (tháng 3). Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, năng lượng tái tạo đang trở thành một phần quan trọng của chiến lược phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường. Chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Đáng chú ý là thành phố đang triển khai Đề án Đô thị thông minh trong đó năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng là một phần quan trọng. Cụ thể, thành phố đã triển khai nhiều dự án liên quan đến năng lượng tái tạo như hệ thống đèn đường LED tiết kiệm năng lượng, điện mặt trời trên các tòa nhà công cộng và các công trình tiết kiệm năng lượng.
Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của năng lượng tái tạo, khung pháp lý điều chỉnh các dự án này cũng cần thiết phải hoàn thiện đầy đủ và nhanh chóng hơn. |
Bên cạnh các tiềm năng tự nhiên nhằm phát triển năng lượng tái tạo và tiềm lực xã hội trên địa bàn thành phố, Nghị quyết số 98/2023/QH15 được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế đặc thù được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng - tăng dần việc cung cấp năng lượng xanh và tiến đến thay thế các nguồn năng lượng dựa vào hóa thạch dựa trên điều kiện và tiềm năng của thành phố.
Mặc dù vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua chưa thực sự đột phá. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng cần tiếp tục đưa ra các chính sách và sử đổi một số luật sao cho phù hợp thực tế.
Chia sẻ từ góc độ đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, các khó khăn hiện nay liên quan đến việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho các công nghệ năng lượng tái tạo, việc sử dụng đất triển khai các dự án năng lượng còn nhiều đặc thù, chưa kể còn nhiều vướng mắc khác về mặt kỹ thuật, thu xếp tài chính….
Hoàn thiện khung pháp lý
Ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của năng lượng tái tạo, khung pháp lý điều chỉnh các dự án này cũng cần thiết phải hoàn thiện đầy đủ và nhanh chóng hơn để thuận lợi hóa cho quá trình triển khai của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, thiệt hại phát sinh.
Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, ông Sơn cho rằng, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu và đánh giá sát sao thực tiễn tiến độ, vướng mắc triển khai dự án năng lượng tái tạo, từ đó đóng góp thêm nguyên liệu để hoàn thiện khung chính sách phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo quốc gia.
“Việc thúc đẩy hoàn thiện các luật liên quan đến ngành năng lượng sẽ tạo cơ sở vận hành kiểm soát hiệu quả thị trường mua bán điện nói chung và từ các dự án năng lượng tái tạo nói riêng, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước”, ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các cơ quan nhà nước cần đưa ra các định hướng, chính sách thông thoáng hơn, đầu đủ hơn để tạo môi trường đầu tư ổn định đối với nguồn năng lượng tái tạo. Không chỉ vậy cần có giải pháp và cơ chế phù hợp hơn trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo và hạn chế ảnh hưởng của các dự án năng lượng tái tạo biến đổi (điện gió, điện mặt trời).
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách để thu hút nhà đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55- NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã có Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55, trong đó giao nhiệm vụ Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Các văn bản này cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác đang là bệ đỡ tốt cho việc mở rộng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng. |