Bộ Công Thương: Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ, hội Kon Tum: Triển khai thành công “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” |
41 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ Long Biên được gắn biển nhận diện đợt I
Đây là sự kiện thuộc Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 do UBND TP Hà Nội ban hành.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cồ Như Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin, triển khai thực hiện Đề án, Kế hoạch của UBND Thành phố về “ Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ”, UBND quận đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND quận đã chỉ đạo phòng Văn hóa thông tin, UBND các phường, các Ban quản lý chợ tổ chức thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin, của quận, của đơn vị về Đề án cũng như các kế hoạch của UBND thành phố, các sở Nông nghiệp, Công Thương, cũng như Kế hoạch của UBND quận và tổ chức đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của quận. Đến nay đã có 02 bài tuyên truyền trên trang tin của UBND quận.
Các Ban quản lý chợ cũng thường xuyên phát thanh tuyên truyền về các nội dung triển khai thực hiện đề án tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chợ.
UBND quận đã giao phòng Kinh tế phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức 04 lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các đối tượng là cán bộ quản lý cũng như cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn quận.
Nhằm hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các điều kiện, thủ tục về an toàn thực phẩm theo quy định, UBND quận đã chỉ đạo phòng Kinh tế, các Ban quản lý chợ Long Biên, số 2, số 3 thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ hoàn thành trong tháng 3/2022 và báo cáo số liệu hàng tháng.
Các cơ sở được treo biển đợt 1 |
Kết quả, tỷ lệ cơ sở kinh doanh cố định đã thực hiện đăng ký kinh doanh đạt 95%; Tỷ lệ cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp, Công Thương đạt 96%; Tỷ lệ cơ sở đã thực hiện khám sức khỏe đạt 92%; Tỷ lệ cơ sở có mở sổ theo dõi hoạt động mua bán hàng hóa phục vụ công tác truy suất nguồn gốc là 97,2%.
Ông Cồ Như Dũng thông tin thêm, thực hiện quyết định của UBND quận, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ, đến hết tháng 8/2022 đã kiểm tra được 300 cơ sở.
Qua thực tế kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có giấy khám sức khỏe, có cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Chủ cơ sở có kiến thức về an toàn thực phẩm, có đủ trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm an toàn và được vệ sinh sạch sẽ phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Thực phẩm sống được bày bán cách ly thực phẩm chín để tránh lây nhiễm chéo. Không bày bán thực phẩm trực tiếp trên mặt sàn chợ. Có biển hiệu ghi số quầy kinh doanh dịch vụ thực phẩm, họ tên người bán hàng và số điện thoại, theo quy cách thống nhất (do đơn vị quản lý chợ quy định); thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi, không gian xung quanh quầy hàng của mình.
“Tuy nhiên ý thức của hộ kinh doanh trong việc ghi chép sổ theo dõi mua bán hàng hóa cũng như việc lưu giữ các tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hồ sơ của nhà cung cấp tại địa điểm kinh doanh chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ theo quy định” – ông Dũng nêu rõ.
Để đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm tại chợ, đoàn kiểm tra đã phối hợp cùng Chi cục quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của 41 cơ sở kinh doanh rau, hoa quả tại chợ Long Biên. Kết quả kiểm tra không phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng hoặc có chất cấm theo quy định.
Sau khi rà soát đánh giá và kiểm tra cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ, UBND quận đã lựa chọn 41 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ Long Biên để tổ chức lễ gắn biển nhận diện đợt I.
Các cơ sở được cấp biển nhận diện đã đáp ứng các điều kiện như: Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các loại giấy tờ liên quan đến an toàn thực phẩm theo quy định (giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh; Cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm)…
Có trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm an toàn. Thực phẩm sống được bày bán cách ly thực phẩm chín để tránh lây nhiễm chéo. Không để chung thực phẩm với hàng hóa, hóa chất và những vật dụng có khả năng gây mất an toàn thực phẩm. Không bày bán thực phẩm trực tiếp trên mặt sàn chợ. Có biển hiệu ghi số quầy kinh doanh dịch vụ thực phẩm, họ tên người bán hàng và số điện thoại, theo quy cách thống nhất (do Ban quản lý chợ quy định); thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi, không gian xung quanh quầy hàng của mình...
Quý IV năm 2022, có từ 30% - 40% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ được cấp biển nhận diện theo quy định
UBND quận Long Biên cũng đấu đến hết năm 2022 tỷ lệ người kinh doanh được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe và các điều kiện cần thiết theo quy định đạt 100%.
Bên cạnh đó, đến hết năm 2022, 100% các cơ sở có đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới, UBND quận sẽ tiếp tục tổ chức gắn biển nhận diện cho các cơ sở đủ điều kiện tại chợ Long Biên và các chợ còn lại. Phấn đấu trong Quý IV năm 2022, có từ 30% - 40% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ được cấp biển nhận diện theo quy định.
Đối với những cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của Đề án, UBND quận sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các phường hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở thực hiện các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm để sớm đủ điều kiện được cấp biển nhận diện.