Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, vì sao đối với ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) thì yếu tố con người càng đặc biệt quan trọng?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta đều biết, CNQP chủ yếu nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), phương tiện trực tiếp phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây là loại hàng hóa đặc biệt, đòi hỏi độ chính xác rất cao và hết sức nguy hiểm nếu để xảy ra sơ suất. VKTBKT là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức mạnh của quân đội, ảnh hưởng to lớn đến kết cục thắng - thua của các cuộc chiến tranh, đến tính mạng của người lính trên chiến trường, nên bên nào cũng phải cố gắng chế tạo được VKTBKT có tính năng kỹ, chiến thuật vượt trội, hiện đại hơn đối phương. Vì vậy, cuộc đua này không bao giờ có hồi kết.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: NGỌC MAI |
Mặt khác, nếu chúng ta không tự nghiên cứu, sản xuất được VKTBKT, phải mua của nước ngoài thì sẽ luôn bị phụ thuộc, luôn bị yếu thế; đối phương sẽ biết rõ khả năng và những điểm yếu của VKTBKT chúng ta có, từ đó họ có cách chế áp, thậm chí làm vô hiệu hóa. Trên thực tế, các nước chỉ bán sản phẩm vũ khí, luôn giữ bí quyết công nghệ, không bán hoặc chuyển giao hoàn toàn công nghệ cho quốc gia khác. Chi phí mua và bảo dưỡng, sửa chữa VKTBKT của nước ngoài cũng rất tốn kém...
Với những lý do trên nên quốc gia nào, quân đội nào cũng phấn đấu tự chủ về CNQP nhằm bảo đảm tự nghiên cứu, sản xuất VKTBKT phù hợp với điều kiện, môi trường, yêu cầu tác chiến của các LLVT. Muốn làm được điều này, trước hết phải có đội ngũ cán bộ, chuyên gia, thợ kỹ thuật giỏi, phải huy động nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNQP mới làm được các loại VKTBKT vượt trội, có thể chế áp được VKTBKT của đối phương-yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng quân đội hùng mạnh, nền quốc phòng vững chắc. Nếu không có nhân lực CNQP giỏi thì không thể tự chủ về CNQP.
PV: Ngành CNQP đã thu hút, trọng dụng, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Như chúng ta đều biết, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của Tổng cục CNQP ngày nay) và Người đặc biệt chú trọng thu hút người tài làm công tác nghiên cứu, sản xuất vũ khí.
Năm 1946, đích thân Bác Hồ mời kỹ sư Trần Đại Nghĩa (tức Phạm Quang Lễ) là người rất giỏi về nhiều lĩnh vực của ngành quân giới từ Pháp trở về Việt Nam, giao cho trọng trách Cục trưởng Cục Quân giới, phụ trách nghiên cứu, sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến. Thực tiễn những đóng góp vô cùng quan trọng của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa trong việc gây dựng, phát triển ngành quân giới (sau này gọi là CNQP) nói riêng và sự nghiệp kháng chiến, giải phóng dân tộc nói chung đã chứng minh tầm nhìn sáng suốt cũng như cách trọng dụng, phát huy nhân tài của Bác Hồ.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với cán bộ, kỹ sư của Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh: MẠNH TUẤN |
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta luôn quan tâm phát triển ngành CNQP, ưu tiên nguồn nhân lực cho CNQP. Các thế hệ cán bộ, kỹ sư, chuyên gia và thợ kỹ thuật cao không chỉ đóng góp to lớn cho sự phát triển của CNQP mà còn góp phần quan trọng xây dựng, thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia.
Những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, từ nâng cao chất lượng công tác đào tạo, quan tâm thu hút tuyển dụng, có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần; đồng thời tăng cường tập huấn, đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên; có cơ chế khuyến khích sáng kiến, nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo... nguồn nhân lực hoạt động trực tiếp trong ngành CNQP đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng, tiến bộ cả về trình độ, năng lực cũng như phẩm chất chính trị, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất quốc phòng trong mọi tình huống.
Làm chủ hệ thống thiết bị mới tại Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh: MẠNH CHIẾN |
Trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất mũi nhọn và sản xuất mặt hàng truyền thống của CNQP, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, công nhân lành nghề đã cùng các lực lượng nghiên cứu khoa học-công nghệ (KHCN) trong toàn quân giải quyết được nhiều vấn đề khó, thực hiện được nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, nghiên cứu chế tạo thành công và sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được nhiều loại VKTBKT thế hệ mới cung cấp cho LLVT, đồng thời làm được nhiều mặt hàng dân sinh chất lượng cao, góp phần giữ vững và duy trì tiềm lực CNQP của đất nước.
PV: Trong cơ chế thị trường và trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có lẽ nguồn nhân lực phục vụ CNQP cũng gặp khó khăn, thách thức?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng là nguồn nhân lực ngành CNQP đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta phấn đấu phát triển CNQP theo hướng “chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trong đó phát huy nội lực là yếu tố quyết định; gắn kết và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này phải dựa trên 3 yếu tố then chốt: Tiềm lực KHCN, nhân lực và xây dựng thể chế; song, suy cho cùng thì nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định, bao trùm.
Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các cơ quan của Bộ Quốc phòng kiểm tra mô hình dự án tại đơn vị. Ảnh: LÊ NAM |
Trong cơ chế thị trường và sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNQP đã và đang gặp khó khăn vì tiền lương, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, thậm chí thấp hơn nhiều so với những doanh nghiệp ngoài Quân đội chi trả. Trong khi đó, điều kiện làm việc của Quân đội nói chung, ngành CNQP nói riêng đòi hỏi kỷ luật nghiêm, gò bó hơn, ngoài công việc chính còn phải thực hiện các chế độ, nền nếp chính quy, điều lệnh, điều lệ của Quân đội...
Thực tế, số người giỏi tự nguyện vào công tác ở các nhà máy, doanh nghiệp CNQP còn ít, nguy cơ cao thiếu nguồn kế cận. Tình trạng thiếu cán bộ đầu ngành, cán bộ chuyên môn kỹ thuật giỏi là vấn đề rất trăn trở, nhất là thiếu cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn sâu ở các chuyên ngành đặc thù, hiểu biết đa ngành, có khả năng chủ trì tổ chức thực hiện các dự án lớn hoặc chế tạo, sản xuất những sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, do các nước hạn chế trong chuyển giao công nghệ sản xuất VKTBKT nên việc tiếp cận trình độ thiết kế công nghệ hiện đại cũng như khả năng nghiên cứu, ứng dụng KHCN mới của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; tỷ lệ công nhân kỹ thuật, thợ bậc cao cũng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển ngành CNQP trong tình hình mới...
PV: Thời gian tới, Tổng cục CNQP có định hướng, giải pháp gì để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển ngành CNQP tự chủ và hiện đại?
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Tổng cục CNQP đã tham mưu với Bộ Quốc phòng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời đề nghị xây dựng Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp...
Trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, chương trình hành động, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP luôn xác định phải đột phá vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là thu hút, trọng dụng nhân tài. Thời gian tới, Tổng cục tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đổi mới triển khai cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài và bồi dưỡng, đào tạo, gìn giữ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền CNQP.
Coi trọng thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, cán bộ kỹ thuật những ngành đặc thù trong CNQP; trong đó ưu tiên đồng bộ cả hai yếu tố đãi ngộ và trọng dụng nhân tài. Ưu tiên tuyển dụng nhân lực chất lượng cao như: Thiết kế trưởng, kỹ sư trưởng, công nghệ trưởng, công trình sư, tổng công trình sư-những người có thể đảm đương vai trò thủ lĩnh dẫn dắt, định hướng cho các tập thể khoa học thực hiện thành công những nhiệm vụ KHCN mang tính đột phá, mũi nhọn; đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, làm việc trong môi trường quốc tế trên lĩnh vực CNQP. Thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, nhóm nghiên cứu mạnh trên một số lĩnh vực then chốt, trọng điểm, giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm và “đặt hàng” những việc khó.
Công tác tuyển dụng, tuyển chọn thực hiện theo quan điểm “việc tìm người”, gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức khối cơ quan Tổng cục và thực hiện đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các chế độ, chính sách phù hợp để thu hút và gìn giữ người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tạo động lực phấn đấu, cống hiến, như: Quan tâm bảo đảm tốt môi trường làm việc; tạo điều kiện phát triển; nghiên cứu chính sách khen thưởng xứng đáng với các sáng kiến, cải tiến; đãi ngộ về thu nhập, nhà ở...
Công nhân Nhà máy Z117 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) điều khiển thiết bị Robot hàn tự động. Ảnh: VĂN TUẤN |
Để có những giải pháp căn cơ, bền vững, tạo bước đột phá trong thu hút, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu phát triển CNQP trong giai đoạn mới, bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất, triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, Tổng cục CNQP sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”.
Các cấp ủy, chỉ huy thường xuyên quan tâm khích lệ, động viên, khơi dậy khát vọng cống hiến, niềm tự hào, tự tôn dân tộc để đội ngũ cán bộ, nhân viên tích cực phấn đấu, góp sức vào sự phát triển CNQP Việt Nam, xây dựng Quân đội ngày càng hùng mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, của nền công nghiệp quốc gia.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!