Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo được nhà trường triển khai |
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Đại học theo mô hình doanh nghiệp đang là xu thế phát triển hiện nay của nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới, trong đó nhấn mạnh sự tham gia tích cực và chủ động của các trường đại học vào quá trình đổi mới, sáng tạo và tạo ra các giá trị kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung đã xây dựng kế hoạch hành động và từng bước tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
NGND.TS. Nguyễn Đức Trí - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung - cho biết, từ năm 2015 nhà trường đã nghiên cứu và đề ra Chương trình cải cách toàn diện nhằm xây dựng thành công Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung trở thành “trường đại học theo mô hình doanh nghiệp” có đủ năng lực cạnh tranh và hội nhập vào năm 2022. Theo đó, nhà trường với tư cách là một tổ chức phải trở thành doanh nghiệp, các thành viên của nhà trường phải chuyển mình trở thành những doanh nhân, sự tương tác giữa nhà trường với môi trường là khớp nối cơ cấu giữa nhà trường với khu vực theo mô hình doanh nghiệp.
Nhà trường đã xây dựng những lộ trình và bước đi vững chắc mà trước hết là thực hiện Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/ĐUVH, ngày 20/3/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung về “cải cách trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung”, trong đó nhà trường xác định xây dựng bộ máy và vận hành nhà trường theo mô hình mới - nhà trường theo mô hình doanh nghiệp.
“Ban lãnh đạo nhà trường cũng xác định việc chủ động mở rộng kết nối hoạt động nghiên cứu, đào tạo gắn với doanh nghiệp thay vì chờ đợi doanh nghiệp tìm đến đặt hàng mình chính là hướng đi cần thiết để Đại học Công nghiệp Việt – Hung vươn lên nắm bắt các cơ hội phát triển và khẳng định được chỗ đứng. Sức ép cạnh tranh và đòi hỏi tồn tại trước mắt buộc nhà trường cần bám sát những nhu cầu hiện tại của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp và nền kinh tế” - NGND.TS. Nguyễn Đức Trí - chia sẻ.
Với định hướng chiến lược trên, Đại học Công nghiệp Việt – Hung đã thành lập và bước đầu đưa vào hoạt động các trung tâm, doanh nghiệp theo mô hình mới trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhà trường và các tập thể, cá nhân, các nhà khoa học. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tạo cơ hội cho sinh viên lập nghiệp
Với bề dày 42 năm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ cao, cùng với sự phát triển của ngành Công Thương cũng như cả nước, hòa nhập chung với xu thế phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhà trường đã chủ động triển khai các chương trình hợp tác trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo, triển khai thành công mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Hoạt động tư vấn và giáo dục nghề nghiệp luôn được nhà trường coi trọng |
Nhà trường đã gắn kết học tập thực tế cho sinh viên tại các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH MTV M1, M3 thuộc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội - Viettel, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long, Công ty Hyundai… Trong mỗi học kỳ, nhà trường luôn dành thời lượng một tuần trong chương trình đào tạo để tổ chức cho sinh viên đi tham quan doanh nghiệp hoặc mời các diễn giả là những chuyên gia uy tín trong ngành đang làm việc tại các doanh nghiệp về giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Điều này không những tạo cơ hội để sinh viên nhìn lại các điều kiện của bản thân trong việc tương thích với ngành nghề đã lựa chọn mà còn là cơ hội để các bạn thể hiện khả năng với các nhà tuyển dụng nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp trong tương lai.
Bên cạnh đó, trường có bộ phận chuyên trách làm đầu mối giới thiệu cho học sinh, sinh viên thực tập hay tìm việc sau khi tốt nghiệp. Năm 2018, nhà trường đã tổ chức hội chợ giới thiệu việc làm với 37 doanh nghiệp tham gia; xúc tiến giới thiệu cho 1.237 học sinh, sinh viên ký kết hợp đồng lao động với các doanh nghiệp.
Chương trình hợp tác đưa sinh viên đến học tập và làm việc tại các trường đại học, doanh nghiệp của Đài Loan cùng chương trình hợp tác với Hiệp hội Phát triển giáo dục và đào tạo nghề Đài Loan ký kết tháng 12/2017 đã mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên đang theo học tại trường. Cùng với đó là các chương trình hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Rumani, Nga, Hungari, Hàn Quốc… cũng đồng loạt được triển khai. Đến nay, đã có 30 sinh viên của nhà trường sang Đài Loan, Nhật Bản và Rumani làm việc và học ngôn ngữ. Dự kiến thời gian tới con số này tiếp tục được tăng lên khi các sinh viên của nhà trường nhận được thông tin phản hồi tích cực từ thị trường.
Với sự chuẩn bị và thích nghi với các xu hướng vận động mới của nền kinh tế, tin tưởng rằng đến năm 2022, nhà trường sẽ được vận hành, quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động trong cơ chế tự chủ thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ chuyên môn, học thuật: Hoàn thành xây dựng báo cáo tự đánh giá trường, tiến tới thực hiện việc kiểm định trường theo Thông tư 12 vào tháng 6/2020.
Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung hiện đào tạo 7 khoa chuyên ngành, gồm: Khoa Cơ khí; khoa Xây dựng; khoa Điện - Điện tử; khoa Công nghệ thông tin; khoa ôtô; khoa Kinh tế và Quản lý và khoa Đại cương.