Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức sàn giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2023 Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm tới |
Dự kiến, hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phiên họp ngắn xem xét Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023.
Theo tờ trình của Chính phủ về nội dung này, trong năm 2022, để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước trước sự biến động của giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn 03 lần theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15.
Qua đánh giá các biện pháp điều hành giá xăng dầu thời gian qua cho thấy, trong bối cảnh tình hình hiện nay thì việc tiếp tục thực hiện điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhằm góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ đang đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống dưới mức sàn - Ảnh minh họa |
Do đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023.
Cụ thể, xăng giảm từ 4.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn: Giảm từ 2.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Dầu hỏa: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Từ ngày 1/1/2024, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (xăng là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg).
Để đảm bảo tính kịp thời, Chính phủ đề nghị Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Chính phủ cho rằng, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao.
Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành gần nhất thì giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm tương ứng (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) là 3.300 đồng/lít đối với xăng; 2.200 đồng/lít đối với nhiên liệu bay; 1.650 đồng/lít đối với dầu diesel; 1.870 đồng/lít đối với dầu mazut, dầu nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa. Tuy nhiên, mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể còn phụ thuộc vào tình hình biến động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới.
Việc này sẽ góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu dự báo vẫn còn ở mức cao.
Về tác động tiêu cực, theo tờ trình, với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2023 bằng sản lượng xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến tính thuế bảo vệ môi trường để tính dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023 và với mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 50.905 tỷ đồng và tổng thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng)) giảm khoảng 55.995,5 tỷ đồng.
Đề xuất giảm như trên, theo Chính phủ cũng chưa phù hợp với bản chất, mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường.
Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2023 để tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô.