Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đến gần với người dân Việt hơn bao giờ hết. Góc độ tích cực của công nghệ là không thể tranh cãi. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng không hề nhỏ khi mà người ta quá lạm dụng mạng xã hội với các mục đích... không mấy tốt đẹp. Nổi tiếng và tai tiếng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng khoảng cách lại rất gần nhau...
Tri thức hình thành trong tĩnh lặng
Mạng xã hội (Social Network) chủ yếu là nơi chia sẻ quan điểm cá nhân của mọi người trên toàn thế giới. Quan điểm cá nhân thì chưa hẳn đã đúng hoàn toàn vì nó chưa được kiểm định hay kiểm chứng từ các cá nhân/đơn vị hay tổ chức có chuyên môn sâu. Những năm gần đây, xuất hiện càng nhiều những diễn giả, chuyên gia tự phong dùng mạng xã hội để chia sẻ quan điểm cá nhân, PR (Public Realationship) nhân hiệu của riêng mình.
Trên thực tế, không ít những diễn giả, thầy giáo “dạy làm giàu” xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội... bán khóa học dạy làm giàu từ miễn phí đến thu học phí hàng trăm triệu. Họ tự “gán mác” cho mình với những danh hiệu rất oách “chuyên gia”, “doanh nhân” hay “triệu phú tự thân”... nhằm mục đích câu kéo học viên, rất nhiều những học viên “tiền mất, tật mang” khi chẳng học được kiến thức nào sâu sắc, chỉ toàn lượm lặt, chắp vá đâu đó rồi mang đi rao giảng khắp nơi.
Mạng xã hội cũng là nơi người ta dựa vào đó để rao những giảng đạo lý, triết lý nhân sinh một cách “vô thưởng, vô phạt” và tuyệt nhiên chưa được kiểm chứng. Còn nhớ, những năm qua nhiều doanh nhân trước khi rơi vào vòng lao lý cũng là những người rất thường xuyên rao giảng đạo lý, nhân cách sống.
Bên cạnh đó, gần đây các TikToker, Youtuber, Facebooker... bỗng nhiên nổi tiếng sau một đêm với những phát ngôn, nội dung đăng tải thiếu chuẩn mực với hằng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt xem, thích và chia sẻ...
Tần Nguyễn đang là cái tên được cộng đồng mạng quan tâm, một TikToker đăng tải rất nhiều hình ảnh, clip lên mạng xã hội với nội dung về dạy cách làm giàu theo phong cách "chợ búa" (Ảnh: MXH). |
Gần đây nhất, Tần Nguyễn đang là cái tên được cộng đồng mạng quan tâm, một TikToker đăng tải rất nhiều hình ảnh, clip lên mạng xã hội với nội dung về dạy cách làm giàu theo phong cách "chợ búa", sử dụng từ ngữ khiến nhiều bạn đọc khó tính phải cau mày, "chướng tai, gai mắt". Vị chuyên gia tài chính "tự phong" này cũng đã "flex" từng giúp hàng nghìn nhà đầu tư thế giới đến với thành công. Ấy vậy mà công ty của TikToker này chỉ toàn thua và lỗ!?
Dư luận đặt ra dấu hỏi về chiến lược đánh vào tâm lý đám đông bằng những ngôn từ gây sốc, phản cảm của Tần Nguyễn là cách để TikToker này lôi kéo được sự quan tâm của người nghe, thay vì thể hiện ra những kiến thức thực tế có được thông qua rèn luyện, học tập và tích lũy kinh nghiệm?
Chợt nhớ, câu nói nổi tiếng của danh nhân người Đức Johann Wolfgang von Goethe “Trí tuệ hình thành trong tĩnh lặng...” Liệu rẳng, những người thích ồn ào có thực sự trí tuệ?
Chân lý không thuộc về số đông
Không phủ nhận mạng xã hội là môi trường hoàn hảo để mọi người chia sẻ quan điểm, kiến thức và hiểu biết cá nhân. Nó giúp chúng ta kết nối nhanh chóng, lan tỏa các thông điệp của nhau và nó cũng là công cụ truyền thông, tiếp thị hiệp quả. Tuy nhiên, không phải thông tin hay bất kỳ thông điệp nào mà các diễn giả, thầy giáo đăng tải trên mạng xã hội là đúng hoàn toàn, nó cũng chỉ là quan điểm cá nhân cần được kiểm chứng và xác thực từ các cơ quan có chuyên môn.
Một người thầy chân chính khi họ đăng tải hay chia sẻ kiến thức trên nền tảng mạng xã hội đều đựa vào các yếu tố quan trọng như: Mục đích việc chia sẻ kiến thức, phương pháp chia sẻ và nội dung chia sẻ. Ngay từ đầu, việc chia sẻ kiến thức nhằm mục đích câu kéo học viên theo đuổi khóa học của mình đang bán thì không nên. Bên cạnh đó, một người thầy – một nhà sư phạm cần phải có một phương pháp truyền đạt tích cực, chỉn chu và chuẩn mực. Cẩn trọng trong các cử chỉ, hành vi và ngôn ngữ hình thể, nên tránh những lời nói dung tục, xúc phạm...
Luật pháp không nghiêm cấm các diễn giả, thầy giáo chia sẻ kiến thức và hiểu biết của mình lên nền tảng mạng xã hội. Thế nhưng, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã chia sẻ. Trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất là trách nhiệm đối với bản thân của người chia sẽ, bởi rằng “nổi tiếng và tai tiếng” có khoảng cách rất gần nhau. Nên nhớ một điều rằng: “Sản phẩm giáo dục là sản phẩm cao cấp, nghề sư phạm là nghề cao quý. Đừng đem sản phẩm “bẩn” dạy cho học viên mà hạ thấp giá trị của nghề và giá trị của người thầy chân chính!”
Nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Pace từng phát biểu: “Chân lý không thuộc về số đông, chân lý không thuộc về kẻ mạnh. Chân lý thuộc về lẽ phải và chân lý thuộc về những người hiểu biết, có những đóng góp tích cực cho xã hội”.
Vì lẽ đó, những người thầy chân chính thường không quan tâm nhiều đến các nền tảng mạng xã hội, không quan tâm đến những nút: Like, share hay lượt tương tác nhiều hay ít. Nhờ đó, học viên của Trường Doanh nhân Pace đều là những doanh nhân thành đạt, có địa vị quan trọng trong xã hội đã bảo chứng cho chất lượng đào tạo cũng như danh tiếng của người thầy chân chính, không dùng mạng xã hội...