Tỷ lệ nội địa hóa “chuẩn” vẫn thấp
Theo “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam năm 2018 đã đạt 36,3%. Đây cũng là năm Việt Nam có tốc độ tăng tỷ lệ nội địa hóa cao nhất so với các nước trong khu vực.
Công nghiệp ô tô là một trong những ngành cần tăng tỷ lệ nội địa hóa nhờ CNHT |
Ông Kitagawa Hironobu - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội - cho hay, xét trong giai đoạn 10 năm (2008 - 2018), tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam luôn có xu hướng tăng lên và lần đầu tiên vượt Malaysia (36,1%).
“Nhưng tỷ lệ này tại Việt Nam vẫn còn thấp so với Indonesia (42%), Thái Lan (57,2%) và Trung Quốc (66,3%). Việt Nam đang trên đà tiến triển tốt nhưng cần phải cố gắng hơn nữa để có tỷ lệ nội địa hoá cao hơn” - ông Kitagawa Hironobu đánh giá.
Theo ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số tỷ lệ nội địa hoá 36,3% và có xu hướng tăng trong những năm qua thể hiện rõ các chính sách của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam bước đầu đã có hiệu quả với các DN FDI.
Mặc dù, năm 2018, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 36,3%, nhưng nếu phân tích sâu hơn về tỷ lệ nội địa hoá cho thấy, các DN Nhật Bản thực sự mua các thiết bị nguyên liệu, phụ tùng của DN “chuẩn” Việt Nam còn rất thấp, chỉ dừng lại ở 14,4%. Phần còn lại là mua từ các DN Nhật Bản và DN của các nước khác sản xuất tại Việt Nam. Nếu xét tỷ lệ này, Việt Nam còn kém xa so với các nước trong khu vực là Indonesia (19,5%), Malaysia (20,4%), Thái Lan (23,3%) và Trung Quốc (41,6%).
Tăng cường kết nối
Theo khảo sát gần đây, khoảng 80% DN Nhật Bản sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, 64% DN nước này cũng mong muốn tăng tỷ lệ cung ứng nội địa để rút ngắn thời gian giao hàng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản thường xuyên phối hợp tổ chức hội thảo, triển lãm chuyên ngành về CNHT, các buổi kết nối trực tiếp, giúp DN CNHT Việt Nam giới thiệu sản phẩm và đàm phán hợp tác kinh doanh với công ty thu mua Nhật Bản. Chẳng hạn như JETRO đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ DN CNHT Việt Nam phát triển thông qua việc cập danh sách các nhà cung cấp của Việt Nam thuộc các lĩnh vực CNHT như: Gia công kim loại, khuôn đúc, khuôn nhựa, linh kiện điện tử, xử lý bề mặt. Đồng thời, cung cấp thông tin tổ chức nhiều hoạt động kết nối kinh doanh giữa các DN Việt - Nhật...
Cùng với sự hỗ trợ, hợp tác từ JETRO, hiện nay, Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) cũng đang triển khai các dự án thí điểm hỗ trợ ngành CNHT của Việt Nam. Theo đó, có 5 DN phía Bắc và 5 DN phía Nam trong lĩnh vực CNHT về ô tô và điện, điện tử như linh kiện ô tô, phụ tùng xe hai bánh, thiết bị chiếu sáng và đang hợp tác kinh doanh với các DN FDI sẽ được hỗ trợ tư vấn về quản lý sản xuất, bán hàng tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý tài chính...
Ông Takao Fujii - chuyên gia cao cấp JICA - cho biết, thời gian tới, với mong muốn hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa, những DN Việt Nam có mục tiêu, có nguyện vọng hợp tác với DN Nhật Bản sẽ tiếp tục được JICA hỗ trợ cải tiến.
Với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của các cơ quan chức năng giữa 2 nước, DN Việt đã có nhiều cơ hội tiếp cận với DN Nhật Bản lớn. Từ đó, có thể định hình được nhu cầu của các DN Nhật Bản và có những điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHTTP. Hồ Chí Minh: DN Việt Nam có nhiều cơ hội cung ứng các sản phẩm cho DN Nhật Bản, tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, các DN phải nâng cao năng lực của mình, làm sao để đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của DN Nhật Bản là đảm bảo uy tín về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. |