Theo nhà phân tích Harrison Cass của tạp chí National Interest, việc Ukraine không thể tự sản xuất vũ khí hoặc sử dụng hiệu quả sự trợ giúp của phương Tây đồng nghĩa với việc Kiev cần tích cực theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.
“Bất chấp hàng tỷ USD viện trợ, Ukraine phải kiên trì theo đuổi hòa bình”, ông Harrison nói, đồng thời cho rằng những người ủng hộ việc cung cấp vũ khí mới cho Kiev không tính đến hậu quả của cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua.
Chiến sự Nga-Ukraine tiếp tục leo thang với sự gia tăng các cuộc tấn công. Ảnh: RIA |
Theo nhà phân tích, diễn biến chiến sự cho thấy, Ukraine không còn cơ hội để cải thiện vị thế. Đồng thời, không một gói viện trợ mới nào có thể thay đổi được tình thế khó khăn của Kiev trên chiến trường.
“Thay vì đòi hỏi những gói viện trợ mới, Ukraine nên ủng hộ hòa bình”, ông Harrison nhấn mạnh.
Trước đó, cuộc khảo sát của Trung tâm Razumkov Ukraine cho thấy, một bộ phận không nhỏ người Ukraine có xu hướng đàm phán với Nga do mệt mỏi vì xung đột. Theo kết quả khảo sát, vào tháng 9 tỷ lệ người ủng hộ đàm phán ngay lập tức với Nga đã tăng lên 35%.
Cuộc điều tra thực hiện mới đây tại Ukraine cũng chỉ ra, ngày càng nhiều người dân nước này mệt mỏi vì xung đột quân sự và họ chấp nhận đàm phán, từ bỏ một phần đất đai để bảo toàn sinh mạng và có được cuộc sống bình yên.
Theo kết quả điều tra, người Ukraine vẫn lạc quan về việc phương Tây tiếp tục viện trợ cho nước này, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với hồi tháng 10/2022. Hiện nay 19% tin rằng sự ủng hộ của phương Tây tiếp tục gia tăng (tỷ lệ này giảm xuống từ mức 29% vào năm 2022), còn 35% tin rằng sự ủng hộ sẽ giữ nguyên (giảm từ mức 41% hồi năm 2022). Tuy nhiên, số người tin rằng viện trợ phương Tây sẽ ngừng đã tăng lên mức 13% so với chỉ 3% vào năm 2022.