Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu chỉ đạo tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong 5 năm qua, giá trị đạt được của bán lẻ hàng hóa qua TMĐT là rất lớn, ứng dụng CNTT trong TMĐT của DN đã được quan tâm với việc xây dựng website, giới thiệu sản phẩm trên website… Để tiếp tục đưa TMĐT phát triển, Bộ Công Thương đã giao cho Cục TMĐT và CNTT xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 và hội nghị ngày hôm nay nhằm phổ biến các kế hoạch giai đoạn tiếp theo cũng như phổ biến chương trình hỗ trợ phát triển TMĐT cho các địa phương.
Thông tin về xu hướng phát triển TMĐT tại Việt Nam, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT cho hay, trong hai năm 2015-2016 có 62% website TMĐT có tích hợp mạng xã hội và chủ yếu là facebook (70%), Google Plus (27%) và Twitter (18%) để quảng cáo, bán hàng. Về phía người tiêu dùng có tới 32 triệu người Việt thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm gần 36% dân số và 30% người tiêu dùng tham khảo mạng xã hội để đưa ra quyết định mua sắm. Thị trường TMĐT cũng chứng kiến sự đầu tư của nhiều DN lớn như Alibaba, Vingroup, Lotte… vào dịch vụ TMĐT.
Theo dự báo, đến năm 2020 doanh số TMĐT sẽ đạt 10 tỷ USD và tỷ trọng của TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ là 5%. Để đạt con số này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1563/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT, giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch tổng thể đưa ra các mục tiêu cần đạt được vào năm 2020 theo bốn nhóm chỉ tiêu: hạ tầng cho TMĐT, quy mô thị trường TMĐT, mức độ ứng dụng TMĐT trong DN, và mức ứng dụng TMĐT trong cơ quan nhà nước. Trong đó xác định rõ các chỉ tiêu định lượng về TMĐT, đặc biệt là các chỉ tiêu trọng tâm về quy mô thị trường và mức độ ứng dụng TMĐT trong DN, cơ quan nhà nước.
Mặc dù TMĐT được đánh giá là mang lại hiệu quả cao cho cả cơ quan quản lý, DN nhưng quá trình đưa TMĐT vào thực tế tại nhiều địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do DN chưa mặn mà, chính sách quản lý còn bất cập.
Theo ông Bùi Huy Thành - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông, việc triển khai ứng dụng TMĐT cho các DN, nhất là DN nhỏ ở các vùng sâu vùng xa hiện gặp rất nhiều vướng mắc như: Trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TMĐT chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; kinh nghiệm năng lực hướng dẫn kỹ năng ứng dụng phát triển TMĐT của cán bộ làm công tác TMĐT còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng mô hình thương mại truyền thống và chưa nắm bắt hết những lợi ích mà TMĐT mang lại nên đa số DN vẫn chưa mặn mà trong triển khai ứng dụng TMĐT. Ngoài ra, một số DN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá bán sản phẩm… nên chưa hiệu quả.
Ông Thành kiến nghị Nhà nước phải tăng cường hỗ trợ địa phương triển khai các đề án thuộc Chương trình TMĐT quốc gia đoạn 2016-2020; xây dựng và hoàn thiện các quy định về TMĐT, nhất là các quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động TMĐT từ Trung ương đến địa phương…
Còn ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, cơ quan quản lý cần hỗ trợ cho những DN ứng dụng TMĐT có sự đầu tư bài bản, kinh doanh chân chính, khi đó những DN không có sự đầu tư, làm ăn chộp giật chắc chắn sẽ tự triệt tiêu.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các địa phương; đồng thời đề nghị các Sở Công Thương phải tùy vào thực tế tại địa phương để xây dựng đề án TMĐT cho phù hợp với từng nhóm ngành hàng sao cho có trọng tâm, trọng điểm. Có như vậy hiệu quả mang lại mới cao, hỗ trợ thiết thực cho DN.