CôngThương - Theo ông Quang, việc quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng phù hợp với Nghị quyết số 68-NQ/TU ngày 13/9/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện phát triển các vùng kinh tế theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn; nghiên cứu, triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với yêu cầu phát triển; sớm hình thành khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng (Lạng Sơn - Việt Nam)-Bằng Tường (Quảng Tây - Trung Quốc).
Tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, chủ động, tích cực, ưu tiên cơ chế chính sách cho khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, sau đó xác định, lựa chọn mức độ ưu tiên cho các vùng, tiểu vùng còn lại để có cơ chế chính sách phù hợp theo từng giai đoạn phát triển.
Tỉnh cũng thành lập Quỹ phát triển đất của tỉnh, hàng năm cân đối, bố trí kinh phí theo quy định để chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, tạo mặt bằng "sạch" thu hút các dự án đầu tư, trước hết trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn và một số khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh Lạng Sơn sẽ tranh thủ các nguồn vốn và huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hệ hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng tại thành phố Lạng Sơn và các khu cửa khẩu như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Chi Ma, khu phi thuế quan giai đoạn 1, khu trung chuyển hàng hóa; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các tiểu hợp phần đầu tư hạ tầng cửa khẩu Hữu Nghị; triển khai lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế liên huyện Chi Lăng-Hữu Lũng-Lộc Bình-Đình Lập và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế liên huyện Văn Lãng-Tràng Định-Văn Quan-Bình Gia-Bắc Sơn đến năm 2020 để làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm.
Về cơ chế, chính sách, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chủ động tiến hành rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền những quy định không còn phù hợp hoặc không đáp ứng nhu cầu của tình hình thực tế hiện nay, nhất là cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, đất đai, tài chính tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp hướng đến xuất khẩu; cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện có; chính sách phát triển các vùng cây nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của từng vùng, có sự liên kết, hỗ trợ, thúc đẩy cùng phát triển giữa các vùng.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng quan trọng như các tuyến giao thông trọng yếu liên huyện, xã, các công trình điện, nước sinh hoạt nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin..., trong đó ưu tiên các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn; tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ ximăng để làm đường giao thông nông thôn và kiên cố hoá kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh.