CôngThương - Theo đó, phát triển du lịch với đặc trưng 7 vùng, 39 khu du lịch quốc gia, 30 điểm du lịch quốc gia và 10 đô thị du lịch; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2020 là 12%/năm, năm 2030 là 10,5%. Cụ thể: chỉ tiêu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 khoảng 10,3 triệu lượt, khách nội địa đạt 47,5 triệu lượt, mang lại doanh thu 19 tỷ USD; đến năm 2030, lượng khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 18 triệu lượt, khách nội địa 58 triệu lượt, doanh thu trên 36 tỷ USD; đóng góp GDP 6,5-7% năm 2020, nhu cầu đầu tư vốn 33,1 tỷ USD; tạo trên 3 triệu lao động, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Các thị trường khách du lịch quốc tế ưu tiên phát triển là Đông Bắc Á, ASEAN, duy trì ở thị trường Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu và mở rộng ra thị trường Trung Đông, Ấn Độ...
Dự báo về phát triển du lịch vùng, ông Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - cho biết, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng cho tới Bình Thuận sẽ là khu vực có mức tăng trưởng du lịch cao nhất cả nước trong giai đoạn tới bởi có tiềm năng về du lịch biển, đảo. Riêng khu vực Tây Nguyên, mặc dù có tiềm năng, song sẽ là khu vực có tốc độ phát triển thấp nhất cả nước do nhiều yếu tố tác động. Theo Đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020, đến năm 2030, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn - nhận định, du lịch biển đảo luôn là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam sẽ hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao: Hạ Long-Cát Bà, Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An, Nha Trang-Cam Ranh, Phan Thiết-Mũi Né và khu du lịch Phú Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch biển giàu tiềm năng như Vân Đồn-Cô Tô; khai thác tour du lịch Trường Sa-Hoàng Sa; đầu tư, xây dựng cảng du lịch chuyên dụng... Phát triển du lịch biển đảo luôn luôn gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế-xã hội.
Theo ông Dương Đình Hiền - Phòng Quy hoạch - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - giải pháp thực hiện quy hoạch là thực hiện cơ chế phù hợp về đầu tư, thị trường, xuất nhập cảnh hải quan, bảo tồn phát triển các giá trị tài nguyên, di sản…; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch, huy động vốn ODA, đặc biệt huy động triệt để nguồn lực tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước, tạo cơ chế thuận lợi để các thành phần kinh tế có thể tham gia vào đầu tư du lịch, đảm bảo nguồn vốn với cơ cấu 80% vốn đầu tư từ tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến quảng bá theo hướng chuyên nghiệp hóa, có trọng tâm, trọng điểm; hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý du lịch, nhận thức rõ về tác động của biến đổi khí hậu….
Để quy hoạch phát triển du lịch đạt hiệu quả, khẳng định Việt Nam là một điểm đến, hấp dẫn, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế, theo ông Phil Harman - Phó giám đốc Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV) - cần đề cao trách nhiệm của cộng đồng, xây dựng thương hiệu cho vùng với những đặt trưng riêng, bảo tồn tính chân thật, nguyên vẹn, nâng cao chất lượng dịch vụ; chú trọng khả năng chi tiêu của du khách, marketing chuyên nghiệp có sự liên kết sản phẩm giữa các vùng; đề cao lợi ích của cộng đồng trong lập quy hoạch phát triển, nhằm cải thiện đời sống cho người nghèo…