Nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương sẽ có 33 khu công KCN với diện tích 14.790 ha. Đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN và 12 cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hiện, Bình Dương đã thu hút được hơn 2.300 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNHT.
Ngành Công Thương Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Thực tiễn ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã minh chứng sự phát triển đúng hướng của ngành CNHT là tiền đề quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển nền kinh tế quốc dân. Phát triển CNHT trở thành nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của các ngành công nghiệp. Ngoài ra, CNHT phát triển sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu, giảm giá thành sản phẩm, giảm sự phụ thuộc vào nước khác, bảo đảm tính chủ động cho nền kinh tế…
Thời gian qua, Bình Dương đã tập trung phát triển và hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may như: công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt; Ngành cơ khí như sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ôtô; Ngành điện - điện tử như: sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang... Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Để phát triển công nghiệp bền vững đi vào chiều sâu, Ngành Công Thương Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Đồng thời, ưu tiên các dự án sản xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, khuyến khích đầu tư phát triển CNHT trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị, điện tử công nghệ cao.
Tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ
Thời gian qua, từ các nguồn vốn khuyến công, Sở Công thương Bình Dương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN công nghiệp nông thôn về máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Trong năm 2019, nguồn vốn khuyến công của tỉnh ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực CNHT, thúc đẩy hình thành chuỗi sản xuất cũng như tăng cường kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các DN.
Hiện Sở Công thương đang phối hợp với các ngành triển khai đề án cơ sở dữ liệu về thông tin DN trong toàn tỉnh. Đề án sau khi hoàn thành sẽ là nguồn thông tin để hỗ trợ các DN trong quá trình tìm kiếm đối tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong quá trình sản xuất, hình thành nên chuỗi sản xuất tại địa phương.
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bình Dương, nhằm tiếp tục tạo ra bước đột phá và đổi mới trong thu hút đầu tư. Thời gian tới tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn… Trong đó, Bình Dương chú trọng ưu tiên phát triển các ngành CNHT, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT. Bình Dương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh CNHT.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đầu tư xây dựng các KCN, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tham gia sản xuất các loại sản phẩm CNHT. Đặc biệt, Bình Dương đã xây dựng riêng một KCN tại huyện Bàu Bàng, rộng trên 1.000 ha ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.
Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện ngành CNHT của Bình Dương nằm trong top 5 các địa phương có ngành CNHT phát triển mạnh của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và Bắc Ninh. Sự phát triển của CNHT Bình Dương đã bước đầu hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN FDI. Từ đó, tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp.