CôngThương - Cần thiết ban hành Luật Phòng chống rửa tiền
Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu (ĐB) đều thống nhất cần sớm ban hành Luật Phòng chống rửa tiền vừa để thực hiện các cam kết quốc tế, vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), luật ra đời vừa đáp ứng các yêu cầu của công tác phóng chống tham nhũng, phòng chống các hoạt động phạm pháp khác. Đặc biệt, nếu không có Luật Phòng chống rửa tiền, Việt Nam sẽ trở thành “bãi” rửa tiền của quốc tế. Còn ĐB Lương Văn Thành (TP Hải Phòng) nhấn mạnh, quá trình hội nhập và phát triển kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu của hành vi rửa tiền khá phức tạp, liên quan đến tổ chức tội phạm ở nước ngoài. Nhất là rửa tiền thông qua các hoạt động đầu tư chứng khoán, cá độ bóng đá...
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
“Ngân hàng thế giới đã nhận định, Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền. Liên hợp quốc cũng cảnh báo, Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt. Nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với nạn rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng.”- ĐB Thành nhấn mạnh.
Các ĐB Quốc hội thống nhất nhận định, việc ban hành Luật phòng, chống rửa tiền là hết sức cần thiết, đồng thời thể hiện sự cam kết cao của nhà nước ta đối với các tổ chức quốc tế về chống tham nhũng.
Cần xem xét hạn chế phạm vi điều chỉnh
Đi vào chi tiết nội dung của Luật, nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường bày tỏ quan điểm không nên đưa nội dung phòng chống khủng bố, ngăn chặn rửa tiền để tài trợ cho hoạt động khủng bố vào dự thảo luật.
Các ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, nên tách các nội dung về phòng chống khủng bố vào luật riêng vì Luật Phòng chống khủng bố đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Phân tích sâu hơn, các ĐB cho rằng, thực tế nguồn tiền tài trợ cho khủng bố không chỉ qua rửa tiền mà còn từ các nguồn tiền hợp pháp.
ĐB Phạm Đức Châu
Tuy vậy, vẫn có ĐB đề nghị cần có quy định phòng chống rửa tiền liên quan đến khủng bố và đổi tên luật thành Luật Phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị, phải đưa cả phòng ngừa tội phạm về khủng bố vào luật này vì tất cả những vấn đề về rửa tiền hiện nay liên quan rất chặt đến khủng bố và ngược lại.
Có nên để cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hành nhà nước?
Câu hỏi này chưa được trả lời trong phiên thảo luận sáng nay mà vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều.
Một số ĐB không tán thành với quy định cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên đề nghị cơ quan này phải thuộc Bộ Công an, vì hoạt động rửa tiền liên quan trực tiếp đến hành vi phạm pháp hình sự, nó tiếp nối cho các tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, lừa đảo, cướp của, tham ô, tham nhũng chứ không chỉ qua hoạt động tín dụng ở các ngân hàng. Hơn nữa, ở các cơ quan khác, trong phạm vi hoạt động chuyên môn chỉ có thể phát hiện những dấu hiệu vi phạm rửa tiền, phát hiện dấu hiệu thông qua giao dịch đáng ngờ nhưng để xác định hành vi đó có phải là rửa tiền, có vi phạm pháp luật hay không thì phải tiến hành điều tra. Chính vì vậy, việc để cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an được các ĐB cho là hợp lý hơn và tất cả những cơ quan có liên quan khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến hành vi rửa tiền đều có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề xuất, cơ quan phòng chống rửa tiền sẽ gồm các chuyên gia của nhiều ngành, trong đó có ngành ngân hàng, công an và sẽ trực thuộc Chính phủ.
Còn ĐB Nguyễn Minh Kha (TP Cần Thơ) thì cho rằng, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền. Do đó, dự thảo luật cần quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì cùng với các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Giao thông vận tải... chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền xây dựng quy chế phối hợp cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức phòng ngừa và chủ động đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động phòng, chống rửa tiền.