Sản xuất và cung ứng điện của Việt Nam tốt nhất từ trước tới nay
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2015 diễn ra sáng 9/6 tại Hà Nội, ông Ryu Hang Ha- Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, nhu cầu về năng lượng điện đã gia tăng hơn 10% mỗi năm ở các khu vực miền Nam của Việt Nam,hiện có những mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng tại Việt Nam có thể xảy ra từ năm 2018, do rất nhiều các dự án năng lượng điện bị trì hoãn. Ông Ryu Hang Ha kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần phải rút ngắn quá trình phê duyện các dự án điện tại khu vực miền Nam Việt Nam. Các dự án điện cần phải được thực hiện với sự tham gia của các nhà đầu tư có danh tiếng và đáng tin cậy. Đối với các dự án điện hạt nhân, thời gian thẩm tra và phê duyệt một số thủ tục hành chính mất quá nhiều thời gian điều này đã dẫn đến chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án. Vì vậy, phải thúc đẩy nhanh ngày khởi công của các dự án này càng sớm càng tốt và đặc biệt sớm chấp thuận Dự án tiền khả thi đối với dự án điện hạt nhân của Hàn Quốc để dự án có thể được tiến hành triển khai một cách sớm nhất.
Trước nhiều ý kiến cho rằng cấp điện thiếu, chất lượng chưa đảm bảo và không ổn định. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, từ năm 2011 đến nay, chưa khi nào sản xuất và cung ứng điện của Việt Nam tốt như bây giờ. Theo thực tế thống kê, giai đoạn đầu năm 2015, tổng công suất thiết kế các nhà máy điện Việt Nam khoảng 30.000 MW, hiện có khoảng 20% công suất dự phòng và sẽ có thể tăng hơn nữa lên khoảng 30% khi thời tiết mát vào mùa đông hay mùa xuân. Mặc dù vậy, vẫn có những vấn đề ở từng thời điểm và địa bàn cụ thể thì chất lượng điện chưa đảm bảo và chưa ổn định. Đây là quan ngại lớn của các doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng hệ thống phân phối điện ở nhiều nơi đã xuống cấp, cần có số lượng vốn để đầu tư cải tạo nâng cấp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Cùng với việc phát triển bền vững bảo đảm môi trường, Chính phủ có chủ trương tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Dự kiến, đến năm 2020, năng lượng tái tạo chiếm 5% tổng năng lượng sử dụng của Việt Nam. |
Hiện, Bộ đang chỉ đạo ngành điện trong các kế hoạch của mình nâng cấp chất lượng của các hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện ổn định, đảm bảo chất lượng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực các tỉnh phía Nam, các nguồn điện mới vẫn còn chậm, dự báo đến 2017 – 2018 nguồn cung cấp điện tại chỗ cho khu vực phía Nam sẽ vẫn thiếu. Vì vậy, ngoài việc đưa điện từ miền Bắc và miền Trung vào, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho ngành điện và các Bộ ngành có liên quan thực hiện 9 dự án cấp bách trong đó chủ yếu là các dự án nguồn điện phục vụ khu vực phía Nam, làm sao để đảm bảo nhu cầu cấp điện cho năm 2017 và 2018. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng tái thiết Đức… đã giúp cho Việt Nam nhiều về tín dụng trong đầu tư cho nguồn và lưới điện tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam có vốn đầu tư để phát triển nguồn điện, hệ thống phân phối.
Việt Nam sẽ không thiếu điện
Về vấn đề xã hội hóa các khâu trong nguồn điện gồm: phát điện, truyền tải phân phối và bán lẻ. Hiện nay, Chính phủ có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư vào xây dựng các hệ thống phát điện chủ yếu là hình thức BOT và BO. Trong thời gian vừa qua có khá nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đầu tư triển khai thành công như Mông Dương 2 (Quảng Ninh)…
Lý giải về vấn đề một số dự án điện BOT hiện nay bị chậm chễ kéo dài, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, có nhiều nguyên nhân nhưng tập trung vào hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, việc đàm phán cam kết bảo lãnh của Chính phủ trong các hợp đồng BOT như vấn đề ngoại hối, pháp lý được các nhà đầu tư hết sức quan tâm và là những vấn đề phức tạp mất thời gian tham gia đàm phán. Thứ hai, một số nhà đầu tư khi đã được cấp phép đầu tư thì mất rất nhiều thời gian để thu xếp tài chính, thậm chí có dự án đã hơn 5 năm chưa thu xếp xong vấn đề tài chính.
Lộ trình điều chỉnh giá điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là giá điện phải theo giá thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước. Theo đó, chi phí của ngành điện và giá bán điện phải đáp ứng được thu hồi vốn của ngành điện và có lãi hợp lý. Về khía cạnh quản lý nhà nước, hiện số hộ nghèo, số hộ chính sách của Việt Nam còn khá đông, nếu áp giá điện cao rất khó khăn cho họ. Chính phủ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng này. Theo lộ trình, chậm nhất đầu năm 2016 giá điện sẽ hoàn toàn là giá thị trường. Dự kiến từ nay đến đầu 2016 sẽ có những điều chỉnh cần thiết theo đúng lộ trình đề ra.
Về lộ trình bán lẻ điện được hiện có 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh các nhà máy điện được thực hiện từ năm 2012, từ năm 2015 đến năm 2020 sẽ thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh, và đến năm 2021 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như nhiều nước đang thực hiện. Với lộ trình này, ngành điện Việt Nam sẽ vừa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất đời sống, đồng thời thực hiện đúng lộ trình cam kết với đối tác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, việc chậm tiến độ một số dự án điện đã được Chính phủ đã khắc phục, bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh tiết kiệm điện và nâng cao chất lượng đường lưới, vì vậy, không những điện không thiếu mà luôn có dự phòng khoảng 20- 25%. Về giá bán điện, Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc giá bán điện theo giá thị trường, công khai minh bạch lộ trình giá điện để các nhà đầu tư yên tâm trong lĩnh vực này. “Sẽ có chính sách hỗ trợ thẳng cho người nghèo chứ không bao cấp cho giá điện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này”, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.