Việt Nam - Sierra Leone: Coi kinh tế là lĩnh vực hợp tác trọng tâm |
Chiều ngày 21/3, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Sierra Leone - ông Edward Hinga Sandy.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Sierra Leone |
Ghi nhận trao đổi thương mại hai chiều của hai nước đã có những bước tăng trưởng nhất định, đạt 51,5 triệu USD trong năm 2021, và tăng trưởng 27%/năm trong giai đoạn 2017-2021, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn cho rằng, con số này vẫn còn quá thấp so với tiềm năng và lợi thế của mỗi bên.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Công Thương Sierra Leone cũng nhìn nhận, quan hệ thương mại giữa hai nước còn tương đối nhỏ, vẫn còn nhiều mặt hàng tiềm năng, dư địa để gia tăng hơn nữa thương mại song phương, đa dạng hóa mặt hàng trao đổi, cũng như gia tăng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư.
"Việt Nam gần đây có nhiều bước tiến về công nghệ đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, đây là lĩnh vực mà Sierra Leone đang hướng tới để học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam"- Bộ trưởng Sierra Leone nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Đối với cán cân thương mại song phương, Việt Nam xuất siêu gần như tuyệt đối, vì vậy, Bộ trưởng Sierra Leone cho rằng, có thể khuyến khích nhà đầu tư của Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Sierra Leone và ngược lại. Thông qua hợp tác này có thể đạt được mục tiêu duy trì cán cân thương mại.
"Chúng tôi cũng mong muốn nghiên cứu khả năng 1 FTA song phương. Bởi Sierra Leone có 2 FTA lớn của châu Phi, nếu ký kết FTA song phương với Việt Nam thì Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường sang khu vực châu Phi"- Bộ trưởng Sierra Leone chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Sierra Leone |
Liên quan đến hợp tác thương mại gạo song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh đề xuất của phía Sierra Leone về việc hai bên xem xét ký lại MOU thương mại gạo nhằm củng cố khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác thương mại gạo giữa hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam luôn mong muốn là đối tác cung ứng gạo lâu dài, ổn định cho Sierra Leone, khi sản xuất trong nước của Sierra Leone chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Hai bên đều nhất trí về việc kết nối, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên giao dịch xuất nhập khẩu gạo.
Đối với FTA song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, cần đệ trình vấn đề này lên cấp có thẩm quyền, có thể hợp tác, nghiên cứu, tiến tới xây dựng FTA song phương, từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh hai bên trong thời gian tới.
Hai bên cho rằng hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để gia tăng hơn nữa thương mại song phương |
Thời gian qua, tại Việt Nam, thông tin về thị trường Sierra Leone còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết nhiều về Sierra Leone. Do đó, tại buổi làm việc, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thông tin về chính sách thương mại và đầu tư, quy định quản lý xuất nhập khẩu, các cơ hội hợp tác kinh doanh, nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đầu mối là Đại sứ quán Sierra Leone tại Trung Quốc và Vụ Thị trường châu Á – châu Phi của Việt Nam.
Bộ trưởng Công Thương Sierra Leone cũng đề nghị Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Sierra Leone trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản, chế biến gỗ, dệt may, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng…
Về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Sierra Leone cung cấp thông tin về các cơ hội hợp tác đầu tư để chuyển tới các doanh nghiệp Việt Nam.
"Môi trường của Sierra Leone như một miền đất hứa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn đầu tư vào Sierra Leone, tuy nhiên, mong phía bạn sớm đưa ra lời mời, đề xuất cụ thể. Đồng thời có tiếp cận hệ thống luật pháp quốc tế, cũng như Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Sierra Leone"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí có nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác đầu tư tại Sierra Leone, qua đó, tận dụng các cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và châu Phi nói chung.
Hai Bộ trưởng đã giao các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Sierra Leone tiếp tục trao đổi, xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác cụ thể.
Năm 2021, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước đạt khoảng 51,5 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Sierra Leone đạt 50 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Sierra Leone đạt 1,5 triệu USD. Trong cán cân thương mại song phương, Việt Nam xuất siêu gần như tuyệt đối. |