Với lượng sản phẩm lớn và tiềm năng dồi dào, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực kết nối để mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Việt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh Nhật Ngọc cho biết, hiện các sản phẩm bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang, bánh nướng từ ngũ cốc, vỏ bưởi sấy, bánh tét… của doanh nghiệp đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3,4 sao.
Thời gian qua, để tìm đầu ra cho các sản phẩm, đơn vị đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm. Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đơn vị có dịp tiếp cận với những nguồn nguyên liệu mới.
Trong khi đó, với cơ sở sản xuất trà Trường Ái (huyện Long Hồ), để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, thời gian qua cơ sở đã không ngừng nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã để làm hài lòng người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm OCOP Vĩnh Long ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến đầu tư và du lịch Vĩnh Long |
Ông Nguyễn Hoàng Huy Lộc - chủ cơ sở cho biết, hiện nay doanh thu hàng tháng sản phẩm OCOP trà đinh lăng của sơ sở hơn 20 triệu đồng. Giá trị tuy không lớn, nhưng theo ông Huy Lộc đó là niềm tự hào bởi “đã đưa được sản phẩm của địa phương mình đến tay người tiêu dùng trong cả nước”. Để mở rộng thị trường, chủ cơ sở cho biết luôn tăng cường quảng bá, giới thiệu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương, trưng bày ở các điểm du lịch.
Số liệu thống kê cho thấy, Vĩnh Long được đánh giá là một trong những tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long, có số lượng sản phẩm OCOP tương đối cao. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 98 sản phẩm OCOP, trong đó, có 32 sản phẩm đạt 4 sao, 66 sản phẩm đạt 3 sao và có 2 sản phẩm trình hội đồng Trung ương công nhận 5 sao.
Đánh giá về các sản phẩm OCOP địa phương, ông Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, các sản phẩm OCOP của tỉnh có chất lượng tốt, từng bước tăng tính cạnh tranh, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm đã xác định được phân khúc và cách tiếp cận phù hợp, giá trị và lợi ích của sản phẩm mang lại ngày càng tốt hơn.
Nhiều sản phẩm OCOP dần có thị trường tiêu thụ tốt, nhờ vào chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó tăng tính cạnh tranh và khẳng định thương hiệu. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều đơn vị chủ động đưa sản phẩm của mình vào phục vụ phát triển du lịch, mở ra hướng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm phù hợp thực tế.
Tuy nhiên, để có đầu ra bền vững, ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP, quy hoạch phát triển liên kết bền vững nguồn nguyên liệu, chế biến sâu để nâng cao hơn nữa giá trị và sự đa dạng.
Đặc biệt, với nhu cầu phát triển du lịch, các sản phẩm OCOP chính là một sản phẩm liên kết trải nghiệm, truyền tải thêm những giá trị văn hóa, tinh thần bản địa, tạo được sự thú vị đối với du khách và người tiêu dùng trong và ngoài nước.