Bắc Kạn: Cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn Công ty CP An Thịnh Bắc Giang: Cưỡng chế thuế Công ty Thành Minh Quân do nợ thuế quá hạn hơn 6 tỷ đồng |
Xây cầu là bất đắc dĩ
Chiều 15/7, hàng chục hộ dân tại xã An Ý, Hưng Long, Ninh Giang, Hải Dương đã có mặt tại buổi tiếp dân thường kỳ của UBND huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Liên quan đến sự việc, theo người dân phản ánh, năm 2004, UBND xã Hưng Thái (nay là Hưng Long) huyện Ninh Giang đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cho các đối tượng đủ tiêu chuẩn giãn dân để làm nhà ở theo qui hoạch phân bổ sử dụng đất giai đoạn 1995-2005 và quy hoạch sử dụng đất bổ sung giai đoạn 2002-2013 đã được UBND huyện phê duyệt.
Ông Trần Xuân Thuận – Chánh Thanh tra huyện Ninh Giang - chủ trì buổi tiếp dân. Ảnh: Đỗ Nga |
Tham gia đấu giá (khu vực đất đấu giá được phân thành 28 lô đất. Tổng diện tích 28 lô là 2.912m2), các hộ dân đã thực hiện đúng trình tự thủ tục đấu giá và được chính quyền công nhận, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo sơ đồ bản vẽ có thể hiện đường đi, sát mương tưới tiêu nội đồng. Tuy nhiên, theo người dân, thực tế tại thời điểm trúng đấu giá đất chưa có công trình giao thông, đường chưa được làm. Ngoài ra, khu đất đấu giá cũng không có điện, nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt. Do đó, các hộ dân đã tự bắc cầu qua sông làm lối đi.
Theo đó, nội dung của buổi làm việc giữa các hộ dân tại buổi tiếp dân với UBND huyện liên quan về việc chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân tháo dỡ cầu dân sinh bắc qua sông Phú Giang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán. Trong khi, theo các hộ dân, họ xây cầu vì bất đắc dĩ.
Hình ảnh con đường phía sau nhà theo quy hoạch của UBND xã Hưng Long trước khi làm đường bê tông năm 2021. (Ảnh người dân cung cấp) |
Tại buổi tiếp, các hộ dân đã đặt nhiều câu hỏi bức xúc và không đồng tình trước Quyết định 2028/QĐ-CCKPHQ "Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông và thuỷ lợi của UBND huyện Ninh Giang" (thực hiện theo Quyết định 1470/QĐ-KPHQ và quyết định 1470/QĐ-KPHQ của chủ tịch UBND huyện Ninh Giang) đối với 4/8 hộ dân về việc phá dỡ các cây cầu dân sinh được chính quyền địa phương xác định là xây dựng trái phép vào ngày 17/7/2024.
Đại diện phía người dân cho biết, tại buổi tiếp công dân thường kỳ ngày 10/5/2024, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng yêu cầu trong tháng 5/2024, UBND huyện Ninh Giang cần tổ chức gặp gỡ 8 hộ dân có 9 cây cầu vi phạm ở xã Hưng Long để đưa ra giải pháp giải quyết đường đi tốt nhất có thể cho các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay khi các hộ dân đã nhận được quyết định cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm nhưng vẫn chưa có giải pháp phù hợp.
Câu cầu nhà gia đình anh Hới - 1 trong 4 cây cầu có quyết định cưỡng chế phá dỡ của chính quyền sáng 17/7. Ảnh: Đỗ Nga |
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, anh Nguyễn Văn Hới - một trong bốn hộ dân có cầu dân sinh bị cưỡng chế ngày 17/7 cho biết, việc chính quyền ra quyết định cưỡng chế trong một thời gian quá ngắn khiến người dân “không kịp trở tay” (Quyết định được UBND huyện Ninh Giang ban hành ngày 4/7/2024), trong khi cây cầu là lối đi lại duy nhất giúp gia đình anh có thể đi lại, mưu sinh.
Theo anh Hới, cả gia đình anh nguồn thu nhập duy nhất dựa vào cửa hàng bán thiết bị điện tử. Theo đó, việc chính quyền yêu cầu phá dỡ cầu khi chưa đưa ra một phương án thoả đáng sẽ khiến cuộc sống của gia đình anh vô cùng khó khăn.
“Khi chúng tôi xây cầu, không có sự can ngăn nào từ chính quyền địa phương. Gia đình tôi phải đầu tư 40 triệu xây cầu, đã sinh sống và kinh doanh ở đây gần 20 năm, giờ chính quyền yêu cầu phá dỡ cầu chẳng khác gì “chặn” đường mưu sinh của chúng tôi?” - anh Hới chia sẻ.
Theo anh Hới, anh mua mảnh đất này năm 2006, lúc đó theo quy hoạch của chính quyền địa phương có đường sát kênh mương tưới tươi, phía sau nhà hiện tại, song thực tế đường chưa được làm, chỉ là một sườn đất trũng ven đê. Để có lối đi lại xây nhà, gia đình anh đã đầu tư 40 triệu đồng xây cầu bắc qua sông.
Theo chính quyền cho biết, những cây cầu này vi phạm hành lang an toàn giao thông thuỷ lợi, gây ô nhiễm ô trường. Ảnh Đỗ Nga |
Cũng chia sẻ tại buổi tiếp, ông Nguyễn Mạnh Hằng (73 tuổi)– là một trong 8 hộ dân trong diện bị yêu cầu phá dỡ cầu cho biết, ông là một trong số những hộ dân tham gia đấu giá đất từ đợt đầu (năm 2024) và đã sinh sống ổn định ở đây hơn 20 năm. Ông đã đầu tư cả trăm triệu để xây cầu, giờ phá cầu cả gia đình 3 thế hệ sẽ không biết “nương tựa” vào đâu. Theo đó, ông Hằng mong muốn được giữ lại cây cầy để thuận tiện việc sinh hoạt, kinh doanh nuôi sống gia đình.
Chính quyền nên xem xét đến nguyện vọng của người dân
Cũng chia sẻ tại buổi tiếp, Luật sư Bùi Minh Kính - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Quang Huy và Công sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đại diện uỷ quyền của các hộ dân cho biết: “Tôi cho rằng chính quyền ra quyết định cưỡng chế có phần vội vàng. Bởi, việc phá dỡ những cây cầu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nhu cầu mưu sinh chính đáng của các hộ dân. Việc yêu cầu người dân phá nhà phía sau để đi là đang làm khó cho dân”.
Ông Kính cho rằng, việc các hộ dân xây dựng cầu qua sông làm lối đi là chưa đúng theo quy định, song, cũng cần "truy" trách nhiệm của chính quyền địa phương khi thực hiện đấu giá đất nhưng không có hạ tầng dân sinh (không làm đường cho dân, không có điện, nước sinh hoạt). Và trách nhiệm buông lỏng quản lý khi không có sự định hướng, can thiệp ngay từ đầu. Chính điều này dẫn đến gây thiệt hại cho người dân. Vì có những gia đình đã bỏ cả trăm triệu đồng để xây cầu.
Khung cảnh ảm đạm một số hộ kinh doanh sau khi bị chính quyền yêu cầu phá dỡ cầu. Ảnh: Đỗ Nga |
Theo đó, ông Kính kiến nghị, tạm dừng buổi cưỡng chế ngày 17/7/2024 đối với 4 hộ dân có 4 cây cầu tại thôn An Lý, Hưng Long và chính quyền cần tìm phương án thay thế hợp tình hợp lý để người dân ổn định cuộc sống.
"Nguyện vọng của 8 hộ dân mong muốn được giữ lại các cây cầu để làm lối đi, đảm bảo đời sống sinh hoạt, mưu sinh" - đại diện các hộ dân cho biết.
Trả lời một số nội dung các hộ dân tại buổi tiếp, ông Trần Xuân Thuận – Chánh Thanh tra huyện Ninh Giang - chủ trì buổi tiếp dân khẳng định: Về việc dừng lại buổi cưỡng chế ngày 17/7 là không thể thực hiện. Lịch cưỡng chế phá dỡ các cây cầu vi phạm trên địa bàn An Lý, Hưng Long, Ninh Giang đã được UBND huyện gửi đến các hộ dân, yêu cầu các hộ dân chấp hành.
Về việc giữ lại toàn bộ 9 cây cầu, UBND huyện đã thống nhất phá dỡ hết các cầu và không thể giữ lại. Đồng thời, chính quyền yêu cầu người dân đi theo đường dân sinh quy hoạch (phía sau nhà - đường này được chính quyền xây dựng năm 2021, sau 17 năm thực hiện đấu giá đất. Khi này các hộ dân khi xây dựng nhà đều hướng mặt tiền của ngôi nhà ra sông Phú Giang, nhìn sang tỉnh lộ 396. Các công trình phụ được thiết kế phía sau nhà).
Chính quyền yêu cầu người dân đi theo đường dân sinh phía sau nhà. Song, theo người dân phản ánh, với những lối đi này, người dân rất khó khăn trong việc sinh hoạt, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Ảnh: Đỗ Nga |
Đối với các ý kiến còn lại, Chánh Thanh tra huyện cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của công dân. Với những ý kiến phù hợp, xứng đáng, cơ quan huyện sẽ xem xét. Với các ý kiến của bà con đề xuất, tại buổi tiếp chưa trả lời sẽ được chuyển các bộ phận liên quan và yêu cầu trả lời công dân bằng văn bản.
Liên quan đến sự việc, trước đó, Vuasanca nhận được phản ánh của một số hộ dân, các cơ sở kinh doanh tại thôn An Lý, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương về việc chính quyền địa phương thúc ép các hộ dân tháo dỡ cầu dân sinh bắc qua sông Phú Giang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán của các hộ dân.
Vuasanca đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Tưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Giang và được ông cho biết, trước đó, với các hành vi tự xây cầu dân sinh của các hộ dân tại thôn An Lý đã vi phạm công trình xây dựng thuỷ lợi và đã được các bên liên quan của xã lập biên bản xử lý vi phạm.
“Sau khi chính quyền yêu cầu phá dỡ, tất nhiều hộ đã thực hiện. Chỉ còn 8 hộ còn lại chưa chấp thuận. Việc tiến hành cưỡng chế đã có sự bàn bạc và thống nhất của các cấp chính quyền. Quyết định cưỡng chế đối với các hộ dân nhằm xử lý các công trình vi phạm, khơi thông hành lang thuỷ lợi, giao thông” - ông Tưởng nói.
Tuy nhiên, khi Vuasanca đặt câu hỏi về việc, vì sao sau khi đấu giá đất, chính quyền không làm đường cho đi, mà tận tới 17 năm sau mới triển khai. Và có hay không trách nhiệm của chính quyền trong việc buông lỏng quản lý? thì ông Tưởng từ chối trả lời.
Hàng chục cây cầu dân sinh ở xã Ứng Hòe (huyện Ninh Giang, Hải Dương) trước đó cũng từng bị chính quyền yêu cầu phá dỡ, đến nay vẫn tồn tại. Ảnh: Đỗ Nga |
Trước đó, ngày 24/5/2024, lãnh đạo UBND huyện Ninh Giang đã cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan của huyện tiếp tục đối thoại với các hộ dân và yêu cầu tháo dỡ các cây cầu xây dựng vi phạm nhưng chưa tìm được sự đồng thuận.
Tại buổi họp, theo lãnh đạo địa phương cho biết, trong thời gian dài trước đây, việc xây dựng cầu dân sinh trái phép qua kênh Đại Phú Giang khá phổ biến do chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý vi phạm. Vì vậy, khi người dân mua đất, làm được cầu để đi lại thì tuyến đường phía sau thường không được đầu tư nâng cấp, cải tạo để sử dụng. Đây cũng là thực trạng không hiếm ở một số địa phương dọc tuyến kênh Đại Phú Giang.
Theo ghi nhận của Vuasanca , những cây cầu này được xây dựng kiên cố, chắc chắn và người dân cho biết, họ đã sinh sống ở đây 20 năm nhưng chưa từng xảy ra vấn đề gì. Dòng sông Phú Giang cũng ko có thuyền bè đi lại, theo đó các cây cầu không gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Do đó, việc giữ những cây cầu dân sinh này là nguyện vọng chính đáng. "Chúng tôi đã làm đơn kêu cứu đến lãnh đạo các cấp có thẩm quyền" - một người dân cho biết.
Cây cầu của gia đình anh Trịnh Xuân Tiến nằm trong số 4 cây cầu sẽ bị cưỡng chế trong ngày 17/7 khiến gia đình anh đang rất lo lắng. |
Trước đó, năm 2022, hàng chục cây cầu dân sinh ở xã Ứng Hòe (huyện Ninh Giang, Hải Dương) cũng được người dân "kêu cứu" vì có nguy cơ bị tháo dỡ, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xem xét, xử lý dựa trên nguyện vọng của người dân. Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, những câu cầu này vẫn tồn tại...
Yêu cầu làm rõ việc đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích Tại buổi tiếp, một số công dân xã Hưng Long (Ninh Giang) đã đề nghị thanh tra, kiểm tra việc quản lý đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và chấp hành pháp luật đất đai của UBND xã Hưng Long hiện nay. Liên quan đến nội dung này, đại diện UBND huyện cho biết, ban tiếp dân sẽ ghi nhận ý kiến, giao UBND các xã báo cáo và yêu cầu gửi báo cáo UBND huyện trước 30/7. |