Phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp |
Vai trò và sứ mệnh quan trọng
Trước ngày miền Nam giải phóng, Sài Gòn, Gia Định và Đồng Nai đã là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính của miền Nam. Đây là nơi tập trung các đô thị lớn, là đầu mối giao thông nối Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Sau giải phóng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trên cơ sở tiếp quản di sản kinh tế và hệ thống kết cấu hạ tầng khá phát triển, tiếp tục kết nối, tạo thành tam giác tăng trưởng của Đông Nam bộ.
Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, các địa phương thuộc VKTTĐPN hiện nay chính là các địa phương đi đầu trong đột phá cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường. Trong vai trò tiên phong và thực tiễn, đời sống kinh tế của TP. Hồ Chí Minh từ đầu thập niên 80 thế kỷ XX đến nay được xem là nơi hình thành những nhân tố mới góp phần vào việc hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường của cả nước như chế định các loại hình doanh nghiệp (DN), thiết lập cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho khu vực tư nhân kinh doanh, thí điểm cổ phần hóa DN nhà nước, xây dựng thị trường vốn, chủ động thành lập ngân hàng thương mại để khơi thông thị trường vốn, đổi đất lấy hạ tầng giải quyết bài toán phát triển đô thị. Long An là điển hình của quá trình đột phá cơ chế một giá. Bình Dương cải cách cơ chế, xác lập một mẫu hình mới về mối quan hệ chức năng nhà nước - thị trường, áp dụng chính sách thu hút đầu tư một cách thông thoáng. Đồng Nai với lợi thế thừa hưởng các khu công nghiệp cũ, đã đi trước các địa phương khác trong việc xây dựng các khu công nghiệp hiện đại…
Ngoài ra, nhờ thế mạnh, hạ tầng giao thông tương đối phát triển, các địa phương trong VKTTĐPN đã liên kết phát triển trong xu thế tạo thành vùng động lực của Nam bộ và của cả nước vào đầu những năm 1990.
Nhận thức được yêu cầu đó, nhằm thúc đẩy sự hình thành các cực tăng trưởng, tạo sức lan tỏa phát triển mạnh ra cả nước, ngày 23/2/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 44/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội VKTTĐPN giai đoạn 1999 - 2010. Theo quyết định này, VKTTĐPN bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Đến tháng 6/2003, tại hội nghị các tỉnh thuộc vùng VKTTĐPN, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng, bổ sung 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Long An. Tháng 9/2005, Chính phủ quyết định đưa Tiền Giang vào VKTTĐPN, để tạo thành một vùng kinh tế liên kết bao gồm 6 tỉnh Đông Nam bộ và 2 tỉnh Tây Nam bộ. Sự kết nối này tạo ra những lợi thế mới cho Vùng trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Vị thế địa kinh tế quan trọng cùng với những yếu tố về lịch sử đã giúp VKTTĐPN trở thành vùng kinh tế mở của năng động, đóng vai trò là cửa ngõ kinh tế và cầu nối Việt Nam với thế giới. Đến nay, vùng chiếm gần 17% dân số, hơn 8% diện tích, sản xuất hơn 42% GDP, gần 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia, VKTTĐPN là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất, là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính hàng đầu cả nước. Bên cạnh đó, hơn 60% số dự án và hơn 50% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tập trung vào khu vực này. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế đối với thế mạnh, sức hấp dẫn cũng như triển vọng phát triển của VKTTĐPN.
Tháng 6/2014 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 252/QĐ-TTg về phát triển kinh tế, VKTTĐPN sẽ phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2020 xấp xỉ 8,5% (trong đó giai đoạn 2016 - 2020 từ 8,5 - 9%), tới thời điểm 2020, GDP/người sẽ đạt 5.000 USD, giá trị xuất khẩu/đầu người 5.400 USD. VKTTĐPN sẽ tập trung thu hút, phát triển các dự án đầu tư công nghệ cao, hướng đến hình thành trung tâm phát triển nhân lực phục vụ nhu cầu nghiên cứu và phát triển. |
Liên kết vươn tầm phát triển
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân- Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing, TP. Hồ Chí Minh còn là trung tâm của khu vực Nam bộ nối liền với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và miền Đông Nam bộ. Đồng thời, với vai trò là trung tâm thương mại - công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh là cửa ngõ tiền tiêu, “chìa khóa” để mở cửa vùng ĐBSCL trù phú, là cầu nối giữa vùng Nam bộ với vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Vai trò của TP. Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ rõ rệt trong những năm qua.
Ông Nguyễn Tấn Hưng- Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước- cho biết, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là động lực cho các tỉnh VKTTĐPN phát triển mà với vai trò là đầu tàu, là cửa ngõ chính kết nối Việt Nam với khu vực và thế giới, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình, dự án kết nối hỗ trợ các địa phương khác cùng phát triển. TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác với các tỉnh đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, cơ sở hạ tầng như khu công nghiệp, khu chế xuất, cầu cảng, điểm chung chuyển hàng hóa để làm cầu nối giữa thành phố với các địa phương.
Ngoài ra, sự liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã tạo điều kiện cho các DN có thể tiêu thụ hàng hóa, giới thiệu sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư do TP. Hồ Chí Minh tổ chức, hàng hóa của các tỉnh từng bước tham gia vào các hệ thống siêu thị và tạo đà cho xuất khẩu.
Một điểm nổi bật dễ nhận thấy ở VKTTĐPN đó là chương trình phát triển cơ sở hạ tầng vùng nhằm xóa bỏ tình trạng cách biệt các tỉnh trong vùng. Tại khu vực này, việc xây mới và nâng cấp cảng biển, sân bay ngang tầm khu vực và thế giới đang được triển khai. Chương trình đó sẽ kết nối 8 tỉnh, thành phố thành một khối liên kết chặt chẽ, nối VKTTĐPN với các tỉnh miền Tây Nam bộ mở ra không gian phát triển mới, làm tăng thêm năng lực cạnh tranh, tạo thêm cho vùng khả năng to lớn để thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai gần.
TIN LIÊN QUAN | |