Ngày 20/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn "Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết, nhiều năm nay, song song với lĩnh vực thực phẩm - ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Với dân số tương đối trẻ, mức thu nhập được cải thiện đang khiến người dân ngày càng quen với việc mua sắm thực phẩm chế biến sẵn. Bên cạnh đó, sự phong phú và dồi dào các sản phẩm nông nghiệp - nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống… cũng đang là những lợi thế để các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng với nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng.
Đây hoàn toàn là những điều kiện thuận lợi khiến Việt Nam trở thành thị trường đồ uống tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư. “Với tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo là 6%, ngành công nghiệp đồ uống là một trong những ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam. Nhưng ngành cũng chịu sự chi phối và kiểm soát của Nhà nước với các chính sách thắt chặt và nổi bật nhất là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Mặc dù mang lại nguồn thu thuế dồi dào cho ngân sách nhà nước, nhưng theo ông Hoàng Quang Phòng, ngành đồ uống có cồn cũng được nhận định là có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng và an ninh xã hội. Do vậy, chính phủ cũng như nhiều tổ chức xã hội đã có nhiều hoạt động để hạn chế tăng trưởng của ngành bia như tổ chức tuyên truyền, giáo dục về tác động của bia rượu hay mạnh tay nhất là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Gia nhập WTO, Việt Nam sẽ áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho tất cả sản phẩm bia, không kể đến hình thức đóng gói.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành hàng này, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê của VBA sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút mạnh, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm khoảng từ 20 – 40%. Chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất đồ uống 6 tháng năm 2020 bằng 89,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất đồ uống 6 tháng năm 2020 bằng 123,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần có sự chuẩn bị kịch bản sống chung với Covid-19 trong 1- 2 năm tới vì chưa biết chính thức khi nào đại dịch kết thúc. Tuy nhiên, kịch bản sự phát triển của ngành bia, rượu, nước giải khát trong trung và dài hạn phụ thuộc vào sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam. Theo đó, với sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nếu dịch bệnh trong nước được kiểm soát và đẩy lùi, cùng với việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia thì kịch bản sự phát triển trung hạn của ngành này sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng khoảng 3 – 3,5%, không như 5 năm gần đây (6,6%). Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, kịch bản sự phát triển của ngành bia rượu phục hội chậm và tăng trưởng ngành này khoảng 2 – 2,5%. “Kịch bản sự phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát với chính sách nhà nước không khuyến khích sử dụng và nhận thức của người dân nhận ra tác hại của việc lạm dụng bia rượu thì kịch bản sự phát triển ngành này sẽ không như thời kỳ hoàng kim - sẽ tăng trên 6%/năm”, ông Ngô Trí Long nói.
Giải pháp nào cho ngành bia rượu phục hồi và phát triển? Với những bài học kinh nghiệm đúc kết từ khủng hoảng, tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp ngành đồ uống sẽ buộc phải có những thay đổi trong xu hướng vận hành để thích nghi với bối cảnh hiện nay cũng như có thể phát triển vững mạnh hơn trong tương lai. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu cần tiếp tục tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn. Bên cạnh đó, cần có những động thái điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất các dòng bia mới giảm sự ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để tránh tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cùng với sự thay đổi để thích ứng từ các doanh nghiệp ngành này, chuyên viên cao cấp Bộ Tài chính - ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế cho rằng, nên có sự ổn định chính sách vĩ mô trong một thời gian nhất định và không tạo ra cú sốc cho ngành này. Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội cho ngành này tiếp cận các nguồn lực như các ngành nghề khác có liên quan.