Xây dựng nền công nghiệp tự chủ và vai trò của các doanh nghiệp trong nước |
Tuy nhiên, nội lực nền công nghiệp Việt Nam còn yếu, phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh "bẫy thu nhập trung bình", thời gian tới, Việt Nam cần tập trung xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. |
Công nghiệp chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu
Từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu, đến nay, ngành thép Việt Nam đã vươn lên làm chủ khoa học-công nghệ, làm chủ nền công nghiệp thép với tổng công suất sản xuất 25 triệu tấn thép thô/năm, xuất khẩu thu về hàng chục tỷ USD. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 14 triệu tấn thép các loại, kim ngạch khoảng 12,7 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Không chỉ riêng ngành thép, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, từ nền công nghiệp nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc.
Công nghiệp cũng trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống nhân dân. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao (tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020). Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI và nguyên liệu nhập khẩu
Tuy nhiên, vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam được cho là nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp; đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị-kinh tế-xã hội trong và ngoài nước. Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: “Hiện nay, chưa có doanh nghiệp hay sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh để có giá trị gia tăng cao. Chúng ta sản xuất phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu nên sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh”.
Có cùng cách nhìn nhận, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, công nghiệp là ngành sản xuất ra nhiều sản phẩm, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu lớn, điển hình như điện tử, dệt may... nhưng giá trị ở lại với Việt Nam không nhiều. Lý do là chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Nhìn vào cơ cấu bức tranh xuất nhập khẩu cũng thấy, hiện Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào các DN FDI. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước dù tăng mạnh (tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước), ước đạt 66,14 tỷ USD nhưng cũng chỉ chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 184,66 tỷ USD, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát |
Tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất công nghiệp
Việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây, khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp. Việt Nam đang tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, trong đó có 15 hiệp định đã ký và thực hiện, 2 hiệp định vẫn đang trong quá trình đàm phán. Việc tích cực tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định FTA đã mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, nhất là việc các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm các dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan lý tưởng của các FTA, cách duy nhất là hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi FTA. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ kéo theo chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao năng suất, nâng cao đời sống cho người dân mà còn thoát được sự phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bảo đảm cho công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25% và đặt ra nhiệm vụ “cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”. Đây là mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của các doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hengsan Việt Nam - công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo quản hàng hóa tại Việt Nam |
Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, trong quá trình phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc... luôn có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Theo đó, Việt Nam sẽ cần thêm nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi cần được ban hành để “trợ lực” cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy liên kết, tham gia mạng sản xuất toàn cầu. Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư, cũng như xây dựng các chuỗi sản xuất công nghiệp. Có những chính sách xây dựng các tập đoàn lớn để dẫn dắt các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đi theo. “Đây có lẽ là một trong những chuyển biến quan trọng trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ”, ông Phạm Tuấn Anh bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tú, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, trợ lực từ các chính sách vô cùng quan trọng. Ví dụ, để công nghiệp hóa chất phát triển mạnh hơn thì Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 cần sớm được đưa vào hiện thực. Cụ thể, với chính sách thuế cần có sự điều chỉnh phù hợp để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với sản phẩm nhập ngoại. Với ngành thép, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương nhanh chóng xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có cơ chế ưu tiên phát triển các cơ sở gia công, chế tạo chi tiết, cấu kiện, phụ tùng có sử dụng thép nội địa làm nguyên liệu cho các ngành, lĩnh vực khác...v