Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện đang có 20.038 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, tăng 22% so với cùng kỳ, với 23.853 người tham gia kinh doanh. Năm 2014, TP đã triển khai thực hiện 2 phường điểm về thức ăn đường phố tại phường 2, Quận 3 và phường An Lạc A, quận Bình Tân. Các quận, huyện khác cũng đã và đang tiến hành tập huấn miễn phí cho các đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” tại TPHCM, tính đến hết năm 2014, TP đã tổ chức và triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác quản lý với 22 tỉnh. Việc chủ động ký kết với các tỉnh có nguồn nông sản thực phẩm đưa về TP tiêu thụ đã giúp TP và các tỉnh phối hợp kiểm soát nguồn nông sản thực phẩm với khoảng 71.500 tấn rau, quả/tháng (chiếm 69% tổng nhu cầu rau, quả của TP), 13.600 tấn thịt heo/tháng (chiếm 78,8% tổng nhu cầu thịt heo của TP), 4.976 tấn thịt gà/tháng (chiếm 86,5% tổng nhu cầu thịt gà của TP) ...
28 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận vào chuỗi, với tổng sản lượng 40.050 tấn/năm (chưa tính trứng gà); 21 cơ sở đã khảo sát và sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ, tiến tới thẩm định đưa vào chuỗi, với tổng sản lượng 52.628 tấn/năm (chưa tính trứng gà).
Năm 2015, TP.HCM tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra, lấy mẫu giám sát và đề ra giải pháp quản lý và ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng; tiếp tục triển khai mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến hành sơ kết và tiếp tục triển khai đề án chuỗi thực phẩm an toàn; tổ chức hội nghị với các tỉnh bàn biện pháp phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát nguồn nông sản thực phẩm, phát triển mạnh chuỗi thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, mỗi quận huyện trên địa bàn TP sẽ xây dựng các phường, xã điểm về an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố và xây dựng từ 1- 2 tuyến đường không có thức ăn đường phố, sau đó nhân rộng trong các năm tiếp theo để đảm bảo an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.