Nghệ An là tỉnh có điểm xuất phát thấp, việc huy động các nguồn lực còn hạn chế |
Là tỉnh có diện tích lớn, miền núi nhiều, địa hình phức tạp, điểm xuất phát thấp, qua 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Nghệ An đã huy động nguồn vốn, lồng ghép thực hiện hơn 24.579,2 tỷ đồng. Đến giữa tháng 6, toàn tỉnh đã có 152 xã và 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê đến thời điểm này, nợ đọng XDCB NTM ở Nghệ An còn khá lớn. Đến tháng 1/2017, số nợ còn hơn 615 tỷ đồng (bình quân 1,42 tỷ đồng/xã), trong đó nợ đọng đối với các xã đã đạt chuẩn là 295,646 tỷ đồng (bình quân 1,94 tỷ đồng/xã)... Số nợ đọng chủ yếu tập trung tại các công trình, dự án như: Trụ sở, đường giao thông trục chính, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã. Những công trình như: Nhà văn hóa xóm (thôn, bản), giao thông trục thôn, xóm, giao thông nội đồng... số nợ không đáng kể do huy động được sức dân.
Các huyện nợ nhiều là Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu... Tại huyện Yên Thành, sau 6 năm có 19/38 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, hiện nợ đọng còn trên 73 tỷ đồng. Điển hình là xã Sơn Thành - địa phương nợ đọng nhiều nhất huyện. 5 năm qua, xã đã huy động nguồn kinh phí hơn 233 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó 96 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, đến nay xã nợ đọng trên 23 tỷ đồng. Tuyến đường 48E đi qua xã Sơn Thành trị giá hơn 36 tỷ đồng, hiện nợ hơn 16 tỷ đồng; đầu tư xây dựng trạm y tế xã trị giá 5 tỷ đồng, đang nợ 3 tỷ đồng; xây dựng đường giao thông bê tông các xóm 14, 15 trị giá 7,6 tỷ đồng, còn nợ 3,6 tỷ đồng...
Theo ông Trần Bá Toàn - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành - để giải được bài toán nợ đọng rất khó khăn bởi không thể huy động sức dân thêm nữa. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2019, xã cố gắng trả hết nợ NTM nhưng việc hoàn thành mục tiêu này rất khó khả thi. Hiện xã đã quy hoạch được 40 lô đất và đã được UBND tỉnh phê duyệt cho bán đấu giá; nếu bình quân mỗi lô bán với giá 250 triệu đồng, địa phương được trích lại 40% theo quy định thì xã cũng chỉ có thêm 4 tỷ đồng để trả nợ.
Lý giải về tình trạng nợ đọng xây dựng NTM, lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM Nghệ An cho biết: Do trước khi thực hiện chương trình, các địa phương áp dụng Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 quy định hỗ trợ 100% cho 7 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, y tế, giáo dục, giao thông trục chính, nhà văn hóa và trụ sở UBND xã nên các địa phương đã huy động các nguồn vốn tạm thời, các đơn vị thi công để triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên, chờ ngân sách Trung ương hỗ trợ sẽ trả nợ sau.
Nhưng sau đó, do ngân sách nhà nước gặp khó khăn nên chỉ hỗ trợ 100% cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các xã còn lại chỉ hỗ trợ 3 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, trụ sở UBND xã, dẫn đến các địa phương không cân đối được nguồn lực để xảy ra nợ đọng. Nguyên nhân nữa là nhiều địa phương chạy theo thành tích, tư duy nhiệm ky nên việc huy động các nguồn lực còn hạn chế...
Phân loại nợ cho thấy, tiêu chí giao thông nợ 117,178 tỷ đồng, tiêu chí thủy lợi 42,3 tỷ đồng, trường học nợ 169,5 tỷ đồng, cơ sở vật chất văn hóa 87,3 tỷ đồng và nợ khác là 199,1 tỷ đồng. Đến nay, số nợ chủ yếu tập trung ở cấp xã, vì đây là những công trình nhỏ, lẻ do xã ra chủ trương đầu tư, phê duyệt và tổ chức thực hiện. |