Những hủ tục đeo đẳng nhiều đời
Bát Đại Sơn là xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn của huyện Quản Bạ, dân số chủ yếu là đồng bào Mông, Dao. Với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt, khi băng giá, lúc khô hạn... nên sản xuất nông nghiệp và đời sống của đồng bào dân tộc ở Bát Đại Sơn còn nhiều vất vả. Hiện Bát Đại Sơn có 654 hộ nhưng vẫn còn tới 399 hộ nghèo (chiếm hơn 61%). Với suy nghĩ, kết hôn sớm để có thêm lao động trong gia đình; anh, em họ lấy nhau sẽ gần gũi hơn, thân thiết hơn và đặc biệt là không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của... nên đến nay, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn đề tồn tại dai dẳng ở Bát Đại Sơn.
Chị Hầu Thị Dua trông già dặn hơn so với tuổi 20 |
Theo anh Thào Mí Quả - Phó chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiền hôn nhân: Với sự hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc, Bát Đại Sơn là một trong những xã được thí điểm thành lập mô hình Câu lạc bộ Tiền hôn nhân. Câu lạc bộ có sự vào cuộc của rất nhiều đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, Chủ tịch hội nông dân, Hội phụ nữ xã đã tổ chức rất nhiều các hoạt động hướng tới nhiều đối tượng khác nhau.
“Treo panô, áp phích tại nhà văn hoá thôn, cổng trường học; tuyên truyền, giải thích cho bà con, các cháu học sinh về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; leo đèo lội suối đến tận các nhà có các cặp chưa đủ tuổi chuẩn bị kết hôn, hoặc hôn nhân cận huyết để giải thích... nhưng bà con nghe đấy, rồi lại bỏ đấy. Nhiều người biết là không tốt rồi, nhưng thay đổi thì không dễ” – anh Quả chia sẻ. Kết quả là, sau 3 năm thực hiện mô hình thí điểm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống, số cặp tảo hôn ở Bát Đại Sơn năm 2018 vẫn còn 10 cặp, năm 2019 là 6 cặp – giảm so với trước đó, nhưng không đáng kể.
Sẵn sàng nộp phạt để... được lấy nhau
Để tôi hiểu hơn về những cái khó của Bát Đại Sơn trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, anh Thào Mí Quả dẫn tôi đến nhà Ly Đại Dương, Hầu Thị Dua – một trong những cặp tảo hôn người dân tộc Mông ở thôn Sán Trồ. Năm 2018, khi Dương và Dua lấy nhau, Dua vừa đủ 18 tuổi nhưng Dương mới 16 tuổi. Cán bộ thôn đến giải thích không xong, báo cáo để cán bộ xã đến giải thích nhưng Dương và Dua chỉ đồng ý hoãn đến năm 2019 đủ tuổi thì cưới, còn lại vẫn về ở với nhau như đã định.
Lúc chúng tôi đến nhà, Dương đang bế con đi chơi, chỉ có mình Dua ở nhà. Dua có gương mặt với các đường nét khá xinh xắn, nhưng trông em già hơn tuổi rất nhiều. “Gặp nhau thấy thích thì lấy thôi, chồng ít tuổi cũng không sao mà. Cán bộ thôn, xã có đến tuyên truyền, nói là chưa đủ tuổi thì chưa được ở với nhau. Nhưng mình bước qua cửa nhà họ rồi, làm con ma nhà họ rồi, quay lại không tốt đâu...” - “Làm con ma nhà họ rồi” - là lý do của việc biết là tảo hôn nhưng vẫn ở với nhau mà Dua đưa ra. Lý do này cũng được rất nhiều cặp đôi người Mông ở Bát Đại Sơn nêu ra khi vấp phải sự can thiệp của chính quyền.
“Cái lý người Mông cùng với sự đồng tình của cha mẹ 2 bên, chính là một trong những cản trở lớn khiến không ít lần Câu Lạc bộ tiền hôn nhân đến làm việc với các gia đình về chuyện không cho con kết hôn sớm mà không có kết quả” - anh Quả chia sẻ. Thậm chí, thay vì chỉ giải thích, tuyên truyền, chính quyền xã Bát Đại Sơn còn lấy ý kiến của nhân dân để nâng mức phạt cho mỗi đôi vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết lên 3 triệu đồng, nhưng nhiều gia đình vẫn sẵn sàng nộp phạt để... cưới.
Đáng buồn hơn cả là ngay cả những người được thôn bản tín nhiệm bầu làm cán bộ thôn cũng không gương mẫu. Trường hợp gia đình ông Tẩn Seo Khai (người dân tộc Dao, ở thôn Na Quang) là một ví dụ. Là thôn đội trưởng, kiêm hội trưởng hội người cao tuổi của thôn và là người từng được xã chọn đi tập huấn về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nhưng năm 2019, ông Tẩn Seo Khai lại có con và cháu là Tẩn Seo Hì và Tẩn Seo Vịn vừa tảo hôn, vừa kết hôn cận huyết thống. “Mặc dù xã đã không còn để ông Khai làm thôn đội trưởng, nhưng việc làm của ông Khai đã ảnh hưởng không nhỏ đến những gì mà thôn đang muốn bà con thay đổi” - Bí thư Trưởng thôn kiêm Trưởng thôn Na Quang - ông Tẩn Seo Hàm ngao ngán.