Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2021. Để có cơ sở xác định đối tượng thụ hưởng chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển, UBDT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đang xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù để trình Chính phủ xem xét, quyết định vào tháng 12/2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến chỉ đạo Hội thảo |
Các tiêu chí để xác định được căn cứ trên Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 do UBDT và Tổng cục Thống kê công bố và quy định về “DTTS có khó khăn đặc thù”. Dựa trên quá trình rà soát, dự kiến có 31 nhóm dân tộc đạt tiêu chí theo quy định, bao gồm: 19 dân tộc có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 50% trở lên (La Hủ, Mảng, Xinh Mun, Chứt, Co, Ơ Đu, Bru Vân Kiều, Cống, Lô Lô, Mông, Khơ Mú, Pà Thẻn, La Ha, Xơ Đăng, Hà Nhì, Raglay, Mnông, Phù Lá, Tà Ôi); 8 dân tộc có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều dưới 50% và đạt 3/6 chỉ số đo lường tiêu chí (Cơ Tu, La Chí, Kháng, Rơ Măm, Cơ Lao, Gia Rai, Xtiêng, Brâu); 13 dân tộc có khó khăn đặc thù có dân số dưới 10.000 người (Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu và Ơ Đu); 9 DTTS rất ít người (Mảng, Chứt, Ơ Đu, Cống, Lô Lô, Pà Thẻn, Rơ Măm, Cơ Lao và Brâu) được xác định là các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù.
“Xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 88/2019/QH14 đã đặt ra, đó là: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, tập trung cho các thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp thiết nhất” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các đại biểu thẳng thắn góp ý để các tiêu chí đưa ra phù hợp với thực tế, nguồn lực được bố trí, tránh trường hợp “Chính sách trên cây, cuộc đời dưới đất”.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đến từ các địa phương, bộ ngành đều thống nhất cho rằng: Trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc tìm ra những đối tượng, địa phương có khó khăn, khó khăn đặc thù là hết sức cần thiết và quan trọng. Bởi lẽ, nếu tiếp tục đầu tư dàn trải như trước kia, sẽ khó thực hiện được các mục tiêu đặt ra đối với vùng DTTS và miền núi.
“Ngoài tiêu chí chung, nên chăng có tiêu chí riêng của từng địa phương để địa phương có thể xây dựng chính sách đặc thù cho những nhóm dân tộc đặc thù của địa phương mình. Đơn cử như, dân tộc Mnông ở Bình Phước rất khó khăn nhưng không có trong danh sách 31 nhóm dân tộc được nêu tại Dự thảo Quyết định - nếu không có chính sách riêng của địa phương, dân tộc Mnông sẽ rất thiệt thòi” - bà Trần Tuyết Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nêu ý kiến.
Rút kinh nghiệm từ rất nhiều chương trình, chính sách trước đó, ông Quàng Văn Hương - Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội – thẳng thắn: Không nên kỳ vọng có thể giải quyết được hết các vấn đề đang đặt ra của cả 53 dân tộc. Trước mắt phải chọn những vấn đề khó, đặc thù, cấp thiết, vừa với nguồn lực để giải quyết cho hiệu quả. Trong đó, cần tính đến việc tách cơ chế phân cấp cho tỉnh, huyện, xã... để thực hiện.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng, chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến yêu cầu các đơn vị, địa phương tích cực hoàn thành các nhiệm vụ có liên quan, trong đó thống nhất 2 tiêu chí cơ bản: Nhóm dân tộc khó khăn là nhóm có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% so với dân tộc mình. Nhóm dân tộc khó khăn đặc thù là các dân tộc có dưới 10.000 người.