“Gia phong dân tộc Lạc Việt”- Đạo lạ núp bóng văn hoá lịch sử: Bài 1 - Đóng tiền thành..."tiên" Gia phong dân tộc Lạc Việt: Đạo lạ núp bóng văn hoá lịch sử: Bài 2 - Những lời “sấm” nổ |
Lập lờ đánh lận
Chỉ được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận là một loại hình tín ngưỡng, chưa phải là một tôn giáo theo công văn số 583/TGCP-TGK nhưng bà Bình đã thu nạp, điều khiển các tín đồ trong hội hoạt động như một tổ chức tôn giáo. Bà Bình tổ chức các khóa lễ, khóa học thu hút hàng chục người tại nhà và tại các điểm di tích ở nhiều tỉnh, thành có tới hàng trăm người tham gia.
Thực tế, không đọc kỹ công văn hay cố tình không hiểu mà bà Bình thường khoe với các tín đồ, người dân rằng: “Hội của bà đã được Ban Tôn giáo chính phủ công nhận cho phép hoạt động”. Bằng cách “lập lờ đánh lận con đen” này khiến nhiều người hiểu lầm, hoặc nghe qua, tưởng rằng, mọi hoạt động của tổ chức này là hợp pháp.
Bằng cách “lập lờ đánh lận con đen”, tự phong hội của mình là "Đạo gia phong dân tộc Lạc Việt" và có những ngôn từ mê tín dị đoan khiến nhiều người hiểu lầm, tưởng rằng, mọi hoạt động của tổ chức này là hợp pháp. Ảnh Nghĩa Thành |
Hoạt động của hội được ghi chép, có báo cáo theo từng năm, từng giai đoạn và số tiền thu được của hội viên cũng khá lớn… Trong báo cáo công tác 2 năm (2020, 2021) của hội đã thu được số tiền hơn 78 triệu đồng!?. Điều đáng nói là người trong Hội còn đứng ra kêu gọi, vận động từ thiện và có hay không chuyện Hội đóng góp ủng hộ từ thiện qua Ủy ban MTTQ huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương như trong báo cáo nêu?
Theo lời khoe của bà Bình, trong năm 2024 này, để ủng hộ cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua, các nơi ủng hộ qua hội của bà có tới gần 100 triệu đồng.
Trong năm 2023, 2024 bà Bình vẫn tổ chức các chuyến đi về các tỉnh, thành nhưng yêu cầu các tín đồ đóng góp trực tiếp.
Bà Bình và một số “tín đồ” còn mượn danh, hình ảnh các anh hùng liệt sĩ để đánh bóng, suy diễn lịch sử “con rồng cháu tiên”; lôi kéo, “dụ” người dân dấn thân vào cái gọi là “đạo tiên”, “tu tiên”, “phép tiên”, quảng bá sẽ “biến đạo Gia phong dân tộc Lạc Việt thành một quốc đạo của Việt Nam!
“Đạo Gia phong dân tộc Lạc Việt” sẽ đi về đâu? Hệ lụy với xã hội, trật tự, an ninh, người dân ra sao nếu không có biện pháp quản lý và xử lý?
Cái gọi là “Gia phong dân tộc Lạc Việt" hoạt động không đúng quy định của một tín ngưỡng; ngược lại, thành lập hội, nhóm, hoạt động như một tổ chức mang màu sắc tôn giáo, gieo rắc “niềm tin” gây hiểu lầm cho người dân, mù quáng chạy theo ý ngh “được cấp sắc tiên”, “khỏi bách bệnh”, “sống trường thọ”… Không những thế, có biểu hiện liên kết, phát triển mở rộng và thu góp tiền bạc |
Cần quản lý, xử lý đúng pháp luật
Được biết, năm 2022, chính quyền địa phương xã Phương Khoan đã có báo cáo số 21/BC-UBND ngày 6/4/2022 gửi phòng Nội Vụ và UBND huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc về hoạt động của “Đạo Gia phong dân tộc Lạc Việt”, đồng thời, yêu cầu bà Bình dừng mọi tổ chức hoạt động liên quan đến hội. Sau 2 năm 2020 - 2021, hoạt động lén lút, cầm chừng, đến đầu năm 2022, 2023 và tới nay, mọi hoạt động của bà Bình tổ chức trở lại, công khai tại nhà, trên trang mạng xã hội và tại một số di tích nổi tiếng Quốc gia.
Tại nhà riêng - thôn Chiến Thắng, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) bà Bình thường tổ chức các khóa "giảng đạo". Ảnh Nghĩa Thành |
Đặc biệt, từ ngày 6/5 - 10/5/2024, bà Bình tiếp tục tổ chức 1 đoàn khoảng 100 người (ở các tỉnh Vĩnh phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Nam Định, Gia Lai, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa) tham quan khu di tích lịch sử và một số danh lam thắng cảnh tại các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên. Đáng chú ý, nhóm này dự định sẽ tiến hành một số hoạt động tuyên truyền, khuếch trương, quảng bá về “Hội Tín ngưỡng gia phong dân tộc Lạc Việt” như sử dụng lễ phục, đeo trên ngực dải băng đỏ, tổ chức múa hát, thực hành nghi lễ của “Hội tín ngưỡng gia phong dân tộc Lạc Việt” nhằm mục đích khuếch trương thanh thế, công khai hóa về mặt tổ chức… các hoạt động này đã bị lực lượng chức năng tỉnh Sơn La phát hiện, kịp thời ngăn chặn, không để phức tạp về an ninh trật tự.
Livestream gần đây nhất ngày 3/10/2024 trên trang facebook cá nhân, bà Bình tự xưng “nhân danh đại sứ thiện chí vì tương lai giống nòi rồng tiên, xin chuyển phát sóng sấm giảng của đấng chí tôn xuống đời lập lại tôn giáo dân tộc Việt Nam” và liên tục “rao giảng” về “đấng chí tôn là một thiên sứ vì nhân loại…, ngài thay đời đổi kiếp cho Đức thích ca mâu ni phật và đổi lại nhân loại loài người lập lên Long hoa hội, mở ra một Đại hội Long hoa… và ngài lập nên đạo gia phong của dân tộc Việt Nam…”.
Nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh từ sớm, từ xa với các tà đạo, đạo lạ biến tướng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tôn giáo dân tộc, thời gian qua, Công an các tỉnh Hải Phòng, Sơn La đã khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với "Hội tín ngưỡng gia phong dân tộc Lạc Việt”, “Giáo hội Lạc Hồng” qua các trang Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố, trong đó tuyên truyền để người dân “cần hiểu rõ bản chất, thủ đoạn hoạt động và tuyên truyền, nhắc nhở người thân của mình cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với hoạt động của “Hội tín ngưỡng gia phong dân tộc Lạc Việt”, tuyệt đối không mua bán, trao đổi các vật phẩm, tài liệu có liên quan đến “Hội tín ngưỡng gia phong dân tộc Lạc Việt”, không tham gia các hội, nhóm phản khoa học, các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng bất hợp pháp có liên quan đến “Hội tín ngưỡng gia phong dân tộc Lạc Việt”… Khi phát hiện tổ chức, cá nhân hoạt động lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, hình ảnh lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhân vật lịch sử để tuyên truyền, tán phát tài liệu có liên quan đến các tà đạo, đạo lạ, hiện tượng tôn giáo bất hợp pháp nói chung, “Hội tín ngưỡng gia phong dân tộc Lạc Việt” nói riêng cần chủ động tố giác với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội: “Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Nhiều tôn giáo lớn, được hình thành từ rất sớm, có tổ chức chặt chẽ, như: Công giáo, Phật giáo… và được nhân dân ủng hộ, tôn trọng. Chính sách của Đảng ta tôn trọng tự do, tín ngưỡng, đạo phải đồng hành cùng dân tộc với phương châm “tốt đời đẹp đạo”. Với một số đạo lạ, chưa đem lại điều tốt đẹp, không đúng luật pháp gây bất ổn trong cuộc sống thì người dân phải tỉnh táo, giác ngộ. Những tổ chức mới có biểu hiện trục lợi gây bất ổn xã hội cần tránh, yêu cầu phải có đăng ký hoạt động 1 cách công khai, hợp pháp…. để không trái với đạo lý, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. |
Hiện nay, hoạt động của “Đạo gia phong dân tộc Lạc Việt” vẫn diễn ra tại nhà bà Bình và khắp các tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm... khiến công tác quản lý cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng gặp khó khăn. Nếu không kịp thời có biện pháp ngăn chặn, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thì nguy cơ lôi kéo thêm nhiều người dân, truyền bá mê tín dị đoan, có biểu hiện trục lợi, tiềm ẩn phức tạp, gây mất an ninh trật tự…
Bên cạnh công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo, việc phát huy vai trò các đoàn thể xã hội các cấp trong việc nắm tình hình tư tưởng hội viên, thông qua tổ chức các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong trào thu hút, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia góp phần tránh xa các tệ nạn, trong đó có mê tín dị đoan cũng rất quan trọng và bức thiết. Cùng với đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về thủ đoạn, âm mưu, bản chất của các tổ chức hội, nhóm mang màu sắc mê tín dị đoan, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Với quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta “không ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc của đất nước, đã có nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách hướng tới chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, những người yếu thế. Theo đó, các mô hình xây dựng làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới… đã được triển khai tới mọi địa phương, mọi người dân. Có thể nói, đây là một đột phá, một bước tiến mới, ở tầm cao mới làm thay đổi (về chất) môi trường sống, môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng, môi trường phát triển kinh tế cho người dân. Đó cũng chính là gốc rễ căn cơ, tạo dựng nền tảng tư tưởng vững chắc, bền lâu, hiệu quả, bằng việc xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở thật sự lành mạnh, là thành trì bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng ta, nhân dân ta đã dày công vun đắp. |