Sức người và áp lực về thời gian Khi nắng chiều gần tắt, từ vị trí 343 (Nam Đàn - Nghệ An), chúng tôi đã kịp đến vị trí cột số 04 nằm trên địa phận huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định. Chỉ huy công trường anh Bùi Trọng Lư - Đội phó đội Truyền tải điện Nho Quan - Truyền tải điện (TTĐ) Ninh Bình cho biết, đây là vị trí thi công hết sức khó khăn, đường nhỏ không thể đưa thiết bị xe cẩu có tải trọng nâng lớn vào được, 11 cán bộ, công nhân chúng tôi đã bắt đầu triển khai thi công từ ngày 7/6 đến hôm nay (29/6) cũng đã được 22 ngày. |
Công tác thi công hoàn toàn bằng thủ công và tời neo quả thực khiến công việc của các anh khó khăn gấp bội. “Vị trí cột số 04 cao 85m, khối lượng thiết bị khoảng 124 tấn. Đặc biệt đây là cột DO, chân móng rộng, trong khi trụ leo chỉ cao 18m. Để đám bảo thi công được an toàn cho con người, và thiết bị chúng tôi phải chuyển trụ neo chạy vòng quanh 4 trụ móng cột nên mất rất nhiều thời gian, trong khi 36 thanh chính cột tùy theo độ dài ngắn khác nhau mỗi thanh chính cột có trọng lượng từ 1,2 tấn đến hơn 2 tấn. Do vậy, để đưa các thanh chính cột vào đúng vị trí ở trên cao cũng khiến cho lực lượng công nhân thi công tốn không ít công sức và thời gian”- anh Bùi Trọng Lư chia sẻ. Theo anh Lư, ngoài việc sắp xếp một kế hoạch hợp lý, toàn bộ kỹ sư, công nhân thấm nhuần tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đề ra “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “vượt nắng, thắng mưa”. Trong điều kiện thời tiết miền Bắc năm nay nắng gắt, mưa nhiều, mặt bằng thi công tại các vị trí móng ở khu vực Nam Định sau mỗi cơn mưa nước lại ngập, không có mặt bằng để tập kết thiết bị, vật tư. Tuy vậy, các cán bộ, công nhân đều cố gắng tận dụng tối đa thời gian để thi công. Trung bình mỗi ngày thời gian thi công từ 10 -12h, có nhiều khi các anh phải treo mình trên độ cao trên 80m nhiều giờ liền mặc cho nắng gắt hay mưa xối xả. Có mặt trên công trường cùng với các công nhân ngay từ những ngày đầu thi công, ông Vũ Văn Lộc - Giám đốc Truyền tải điện Ninh Bình cho biết: Cung đoạn của TTĐ Ninh Bình quản lý khi đường dây 500kV mạch 3 hoàn thành đi vào vận hành là 270 vị trí cột với gần 100 km đường dây 500kV (đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1- Phố Nối và đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Thanh Hóa) đi qua 3 tỉnh Ninh Bình - Nam Định và Thái Bình. Để tăng cường lực lượng thi công hỗ trợ nhà thầu và nhằm đảm bảo tiến độ, hiện TTĐ Ninh Bình đang huy động lực lượng cán bộ công nhân thi công lên đến 60 người. Trong 45 ngày nước rút, chúng tôi đã tham gia hỗ trợ thi công lắp dựng được 2 vị trí cột, cụ thể cột số 08 đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Thanh Hóa và cột số 04 của đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối. Đặc biệt, cột số 04 là cột DO - cột đầu tiên xuất hiện ở trên công trường nên việc thi công lắp đặt có nhiều khó khăn bỡ ngỡ, do nền đất yếu, đường nhỏ nên không sử dụng được xe máy cẩu có sức nâng lớn vào vị trí cột do đó công tác dựng và lắp cột hoàn toàn bằng thủ công. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi dựng cột DO, ban đầu cũng bỡ ngỡ do phải tìm tòi nghiên cứu bản vẽ, phương pháp lắp đặt của các đơn vị đi trước. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của CBCNV thì sau 22 ngày chúng tôi đã cơ bản đã lắp xong thân cột nặng khoảng 112 tấn. Chúng tôi sẽ lắp đặt 2 bộ xả chống sét và 6 bộ xà dây dẫn là hoàn thành và kết thúc vị trí này vào ngày 2/7”- ông Lộc cho biết. Không chỉ dành nguồn lực hỗ trợ công tác thi công, TTĐ Ninh Bình cũng đã tập trung vào công tác giám sát, nghiệm thu chất lượng công trình, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị để khi đóng điện thành công, đơn vị sẽ tiếp nhận quản lý, vận hành. Cũng theo ông Vũ Văn Lộc, để sẵn sàng tiếp nhận quản lý, vận hành gần 100km đường dây 500kV mạch 3, hiện TTĐ Ninh Bình đã lập phương án sản xuất trong đó có trang thiết bị dụng cụ sản xuất và đề xuất của Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) bố trí nhân lực đủ điều kiện tiếp nhận quản lý vận hành an toàn. Khi thi công ở cột cao trên 50m, toàn bộ công nhân làm việc trên cao đều phải được khám sức khỏe, đảm bảo đáp ứng điều kiện và môi trường làm việc trên cao theo quy định về an toàn lao động và của Bộ Y tế. Ông Lộc cho hay, trong quá trình quản lý vận hành đường dây 500kV, TTĐ Ninh Bình hiếm khi gặp những cột cao trên 80m, những cột cao như thế này chỉ khoảng 5-6 cột vượt sông, nhưng ở đường dây 500kV mạch 3, trên toàn tuyến những cột cao từ 70m -145m là khá phổ biến. Đây là thách thức không nhỏ cho các đơn vị truyền tải khi tiếp nhận quản lý, vận hành. Dự kiến, TTĐ Ninh Bình sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành, đơn cử như ứng dụng thiết bị bay UAV bay kiểm tra định kỳ, đo phát nhiệt các điểm mối nối, khóa néo, đầu cốt lèo hàng tháng, quý, qua đó nhằm hạn chế sức lao động, tăng năng suất lao động và chất lượng kiểm tra được tốt hơn. “Chúng tôi mong rằng trong quá trình nghiệm thu làm sao quản lý tốt và nắm bắt được các hành lang tuyến đi qua địa bàn các tỉnh, huyện, xã, đồng thời làm việc với các địa phương để có phương án bảo vệ công trình trọng điểm quốc gia, phương án quản lý vận hành nhất là cung đoạn đường dây đi qua địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định) vì đây là những khu vực sát biển nên bão và gió lớn hay xả ra. Để khi đóng điện đảm bảo vận hành an toàn, kịp thời giải tỏa công suất từ miền Trung ra miền Bắc, đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và những năm tiếp theo.”- ông Lộc nhấn mạnh. |
Trước khi tiếp nhận thi công vị trí cột số 04, tại vị trí cột số 08 TTĐ Ninh Bình cũng gặp vô vàn khó khăn bởi đây là vùng đồng chiêm, đất trũng, sau những ngày mưa lớn mặt bằng thi công bị nước bao phủ trắng xóa do mặt bằng móng chưa đắp bờ, người dân tháo nước về. Nhiều chỗ ngập sâu hơn 1m, dẫn đến không có mặt bằng để thi công. Ông Vũ Văn Lộc cho hay, khi tiếp nhận vị trí cột số 08, mặc dù cột có độ cao hơn 70m, khối lượng thiết bị nặng khoảng 94 tấn. Qua khảo sát, nhiều phương án được đưa ra trong đó có ý kiến đề nghị đổ thêm đất để có mặt bằng thi công. Tuy nhiên, phương án này quá tốn kém, thời gian thi công lâu. Theo đó, TTĐ Ninh Bình đã dùng phương án thuê các phao và cọc tre kết thành bè, mảng để vận chuyển cột và tập kết vật tư, đồng thời tạo mặt bằng thi công. “Chúng tôi sử dụng phao (loại dùng lắp đặt cầu phao vượt sông) để vận chuyển vật tư cột vị trí 08 (94,726 tấn) và dụng cụ thi công giảm thời gian, nhân lực. Đồng thời, dùng tre, luồng làm bè, mảng, làm cầu đi vào vị trí thi công và để tổ hợp các thanh cột”- ông Lộc cho biết. Để thi công, TTĐ Ninh Bình đã lắp dựng vị trí cột 08 bằng thủ công kết hợp máy tời, sử dụng hệ thống cần bích và sơ đồ néo cáp đầu cần bích (trụ leo), hệ thống dây tăng, cọc tăng các cánh trụ leo để lắp dựng thanh cột trong điều kiện bùn nước sâu 0,5m. Với việc sử dụng phao và tre, luồng kết thành bè mảng đã giúp rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí phải đắp đất san nền tạo mặt bằng, dùng các phao thuận lợi và nhanh hơn, theo tính toán của TTĐ Ninh Bình số tiền tiết kiệm được khoảng hơn 100 triệu đồng, giảm được 10 ngày so với phương án đắp đất tạo mặt bằng để lắp dựng cột. “Sáng kiến này của chúng tôi đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen cho nhóm tác giả thi công ở vị trí cột số 08 và được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh 1 trong những sáng kiến triển khai thi công đường dây 500kV mạch 3 trong đợt sơ kết thi đua của Tổng liên đoàn về công trình này”- ông Lộc cho hay. |
Nội dung: Trần Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |