Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
+ |
Toàn cảnh hội nghị |
30/63 tỉnh thành triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang từng bước phát triển. Hiện nay, theo thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ - FiBL năm 2017, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của nước ta năm 2015 đạt hơn 76 nghìn ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010 tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau…. Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế như Nhật, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Singapore,...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, Việt Nam hiện có 10 triệu ha đất canh tác, hệ sinh thái đa dạng, thuận tiện cho nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, Việt Nam có dân số đông với trên 92 triệu người, lượng khách du lịch cũng đang tăng nhanh chóng, nên nhu cầu về sản phẩm hữu cơ rất lớn. Tuy nhiên, hiện chỉ có 30/63 tỉnh thành triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre có trên 3.000ha trồng dừa, Ninh Thuận 448ha trồng nho, táo, rau (riêng nho là 284ha). Ngoài ra, còn có một số mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Lương Sơn (Hòa Bình), Sóc Sơn (Hà Nội); Chè Bắc Hà (Lào Cai); Cam Hàm Yên (Tuyên Quang)… Một số doanh nghiệp sản xuất hữu cơ đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc như: Công ty Viễn Phú sản xuất lúa lai với 200ha; Organik Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Ecolink sản xuất chè.... Còn lại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, mất nhiều thời gian để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường không ổn định.
Việt Nam cũng chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, lòng tin của người tiêu dùng chưa cao. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhỏ lẻ, tự phát, chưa được quy hoạch.
Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng, vướng mắc lớn nhất là việc thiếu hành lang pháp lý trong chứng nhận sản phẩm hữu cơ cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, quỹ đất. Việt Nam hoàn toàn có lợi thế và tiềm năng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bởi hệ sinh thái đa dạng, lợi thế về các nguồn lực….
Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - chia sẻ: Tiêu chuẩn và chứng nhận sản xuất hữu cơ là chìa khóa cần phải được xem xét hiện nay bởi nếu không giải quyết được vấn đề này việc sản xuất sẽ không có cơ sở để quản lý, giám sát chứng nhận sản phẩm hữu cơ từ đó có thể trở thành phong trào và rất dễ đi vào “ngõ cụt”.
Sẽ có đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Để thúc đẩy người dân tham gia sản xuất hữu cơ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ; giúp người tiêu thụ an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học. Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ Việt Nam....
Để tạo ra hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ phát triển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị: Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025, xây dựng hành lang pháp lý để công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hưu cơ. Ngoài ra, Chính phủ cần ưu tiên chính sách về đất đai, tín dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, ban hành các chính sách đột phá thu hút đầu tư của xã hội trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trước kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bộ sẽ tập hợp những bất cập và đề xuất với Chính phủ ban hành những Nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời bàn với các Bộ, ngành liên quan như: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường hình thành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ để giải quyết những vấn đề một cách tổng thể trong khu vực này. Bộ sẽ cùng với Bộ khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện Bộ Tiêu chuẩn năm 2015 do Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành nhưng hiện nay chưa đi vào cuộc sống….