Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn rất lớn. Từ các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%.
Các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35% (Ảnh minh họa) |
Mặc dù, phần lớn doanh nghiệp đều nắm rõ luật, các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi hoặc triển khai mang tính hình thức.
Trên cơ sở “Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên hiện cả nước có 3.068 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm.
Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ) thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Để khai thác tối đa tiềm năng này không những chú trọng đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mà cần thực hiện các giải pháp truyền thông tới tất cả các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Cụ thể, các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm. UBND các tỉnh, thành phố cần triển khai hiệu quả kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương đối với các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên.
Ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, hiện nay các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20 - 30%. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí, cường độ sử dụng năng lượng trên GDP của nước ta rất cao so với bình quân trên thế giới, cao hơn cả Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu thế sử dụng nhiều tài nguyên đặc biệt là năng lượng.
Do đó, cần chấm dứt sử dụng năng lượng lãng phí và cần cải thiện hơn chất lượng sử dụng năng lượng, hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn. Điển hình như các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng… cần áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng, điều này không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất mà còn làm nhẹ áp lực cung cấp năng lượng của hệ thống điện.
Nghiên cứu sơ bộ của WB cho thấy, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15-30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều.
Cũng theo ông Chu Bá Thi, nhu cầu năng lượng cho sản xuất ngày càng tăng cao, trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh và bảo vệ môi trường.
Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, Việt Nam cần tích hợp ở mức cao các nguồn năng lượng tái tạo và đặc biệt phải thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng quốc tế, các giải pháp hiệu quả năng lượng có thể tránh được 40-50% tổng lượng phát thải ở Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất.
Đây là hoạt động thuộc “Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - Dự án VSUEE” do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản.
Trong dự án này, SHB là ngân hàng phát hành bảo lãnh cho các ngân hàng tham gia cấp tín dụng cho các dự án vốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Dự án tạo điều kiện cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng tiếp cận Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) có giá trị 75 triệu USD do GCF và WB tài trợ.