Kon Tum: Phát triển kinh tế dược liệu, cầu nối mang đến no ấm Tuyên Quang: Phát triển “mô hình thương mại hai chiều” vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Thực hiện Nội dung số 3 thuộc Tiểu Dự án 2 của Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, Sở Công Thương đã tổ chức “Gian hàng giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng các vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định”. Đây là lần đầu tiên, trên 80 sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng của vùng dân tộc thiểu số, miền núi và sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh được giới thiệu tại TP. Quy Nhơn.
Tham gia hội chợ là cơ hội để huyện Tây Sơn giới thiệu sản phẩm của đồng bào dân tộc (Ảnh minh họa) |
Tham gia “Gian hàng giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng các vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định” có hơn 50 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh với trên 80 sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và sản phẩm đạt chuẩn OCOP…
Mục tiêu của chương trình nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng của các vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng và những đơn vị có nhu cầu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, từng bước tạo chuỗi kết nối giữa các đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp của vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các đơn vị thu mua, nhà phân phối. Đồng thời, bổ sung lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân tại thành phố Quy Nhơn và khách du lịch…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, quảng bá gian hàng tại các sự kiện thương mại và thực hiện gian hàng trực tuyến sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm OCOP của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Ðịnh với các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo thống kê sơ bộ, năm 2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ 26 đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở ở các huyện miền núi tiến hành đưa sản phẩm lên website ketnoicungcau.vn do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thực hiện, kết nối với 30 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tiêu biểu trong đó là các sản phẩm đặc sản của các huyện miền núi như: Dầu phụng, dầu mè bà Cũ (huyện Vĩnh Thạnh); tré chua, bánh hỏi khô, bánh canh khô, bánh tráng, dầu phụng, dầu mè, bánh ít lá gai, đông trùng hạ thảo (huyện Tây Sơn); chè cà dây leo, chè dây, mật ong, tinh bột nghệ, bưởi da xanh, trái sả rừng, đồ gỗ mỹ nghệ, thịt heo, thịt bò (huyện An Lão); trà tía tô, trà đinh lăng, mặt nạ bột sâm, mật ong (huyện Vân Canh). Trong đó, nhiều sản phẩm mới lần đầu xuất hiện như: Sản phẩm đan lát của người H’rê và Bana, rượu cần truyền thống của người H’rê và Bana, cá điêu hồng (huyện Vĩnh Thạnh); nón lá Thuận Hạnh (huyện Tây Sơn)…
Phiên chợ giới thiệu các sản phẩm nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hoài Ân (Ảnh: Hội LHPN tỉnh Bình Định) |
Qua đó, nhiều sản phẩm của các cá nhân, cơ sở ở các huyện miền núi đã tiếp cận được nền tảng kinh doanh hiện đại. Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, các đơn vị đã tạo gian hàng qua các kênh thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, các cá nhân, cơ sở còn được hỗ trợ xây dựng hình ảnh, viết nội dung giới thiệu, quảng cáo, mở tài khoản, tạo mã QR…
Đặc biệt, Sở Công Thương thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về thương mại điện tử cho bà con tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử qua kênh phienchomiennui.vietlao.vn.
Ngoài ra, để hỗ trợ thương mại điện tử phát triển tốt hơn, Sở còn tập huấn, hướng dẫn các đơn vị ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển các giải pháp về bán hàng online, thanh toán điện tử và vận chuyển hàng hóa dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các hình thức: Đăng ký cấp giấy phép lưu hành, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ theo quy định. Từ đó, giúp các cá nhân, hộ kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ hiệu quả nông sản, hàng hóa.
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hàng hóa của đồng bào dân tộc, Sở Công Thương Bình Định đã hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều tại Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, thôn 1 xã An Toàn, huyện An Lão. Hợp tác xã đã mở quầy bán các sản phẩm của 20 thành viên tại huyện An Lão, chủ yếu là sản phẩm của đồng bào dân tộc Bana và H’rê và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các xã viên tại địa phương. |