Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương về công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị chức năng của Bộ đã chủ động triển khai Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn, nghiên cứu, rà soát trên 60 giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ.
Bên cạnh đó, đã thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật; xem xét, điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh để có biện pháp can thiệp phù hợp; chủ động thu thập, xác minh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh ở một số thị trường, ngành, lĩnh vực...
Bộ Công Thương thực hiện điều tra 7 vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh |
Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023; trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, Quyết định 07/202/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Song song đó, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giao dịch, thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dung. “Công tác quản lý nhà nước về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được thực hiện nghiêm túc” - báo cáo nêu.
Đối với lĩnh vực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, đặc biệt là ở các địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng phương thức bán hàng đa cấp để trục lợi trái phép; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.