Kế hoạch số 1344/KH-UBND về việc phát triển thương mại điện tử tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025 thể hiện rõ định hướng của tỉnh là triển khai các hoạt động, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 5 triệu đồng/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 10%/năm, đạt khảng 400 tỷ Việt Nam đồng, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh.
Hội nghị tập huấn về kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet cho các đơn vị, doanh nghiệp Tây Bắc |
Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian chiếm 60%; chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.
Đến năm 2025, có 50% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. 50% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng...
Học viên trao đổi tại hội nghị |
Nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, phù hợp với định hướng phát triển thương mại điện tử của tỉnh Lai Châu, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tập huấn về kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet cho các đơn vị, doanh nghiệp Tây Bắc trong 2 ngày, 22 và 23/6.
Ông Võ Xuân Nam - Phụ trách Đào tạo, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử cho biết, do hạ tầng giao thông không thuận lợi, dân số ít, người đồng bào dân tộc thiểu số nhiều,… nên thương mại điện tử của Lai Châu còn nhiều hạn chế so với các địa phương trong cả nước. Vì vậy, trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các diễn giả sẽ tập trung trao đổi với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhiều nội dung quan trọng, mang tính gợi mở, định hướng phát triển thương mại điện tử Lai Châu thời gian tới như: Tổng quan về thương mại điện tử Lai Châu và các xu hướng thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số; Thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam như: Shoppe, Lazada, Tiki, mạng xã hội Facebook, Zalo..
Các diễn giả còn trao đổi với các doanh nghiệp, hợp tác xã về sáng tạo nội dung đa kênh, cách thức triển khai nội đa kênh để tối ưu và tiếp cận khách hàng; Phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử Shopee và một số sàn thương mại điện tử nổi tiếng; Mô hình bán lẻ đa kênh Omni-channel, những cơ hội và thách thức trong sự thay đổi nhận thức của người quản lý với áp dụng các giải pháp số để tăng trưởng doanh số bán hàng trong hoạt động kinh doanh…