Cách đây nhiều năm, miến dong Bình Liêu – sản phẩm được sản xuất hoàn toàn từ củ dong riềng Bình Liêu, cùng nguồn nước suối sạch và bí quyết truyền thống của người dân bản địa hầu như chỉ phục vụ cho bữa ăn gia đình, ít được đem bán. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm chất lượng cao, có lợi cho sức khỏe tăng lên đã thúc đẩy nghề trồng dong, chế biến miến của Bình Liêu phát triển. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh thông qua Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), miến dong Bình Liêu đã được đóng gói, có tem nhãn mác, đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và được đưa vào hệ thống phân phối, với lượng tiêu thụ rất cao.
Giá trị hàng nông sản ngày càng được nâng cao |
Cùng với miến dong Bình Liêu, Chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hạng 4 sao, 5 sao. Mặc dù vậy, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng chỉ được biết đến ở địa phương, chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài. Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP, Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh 4 hoạt động, đầu tiên là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng ghép vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm thương mại; các hội nghị kết nối cung - cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…
Tiếp đến là hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương nghiên cứu, khảo sát, xây dựng, ban hành tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đây đã trở thành một nguồn cung cấp hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng các nhu cầu về những sản phẩm hàng hóa chất lượng. Trong năm 2019, đã có 12 địa phương gồm: Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp được Bộ Công Thương lựa chọn, hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm có chất lượng cao không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn; thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương; đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững giúp nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn.
Cả nước hiện có 12 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Hòa Bình, Hà Giang, tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 604 sản phẩm OCOP. Song song với việc tạo ra sản phẩm, các địa phương đặt mục tiêu xây dựng ngày càng nhiều điểm phân phối để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. |