Mặc dù trọng lượng lợn đã cao nhưng nhiều hộ nuôi vẫn chưa bán được |
Người chăn nuôi điêu đứng
Giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá heo hơi cân tại chuồng giảm kỷ lục so với 10 năm qua, tác động tiêu cực đến nhiều hộ chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương. Gia đình chị Duyên Mạnh (xã Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội) là một ví dụ. Tháng 7/2016, chị mua 12 con lợn giống đúng lúc giá lợn giống đang cao (150.000 đồng/kg). 5 tháng kỳ công chăm sóc, tháng 12/2016, khi lợn đến tuổi xuất bán, thương lái chỉ trả 29.000 đồng/kg lợn hơi. Với giá bán này, 12 con lợn gia đình chị Duyên Mạnh lỗ 15 triệu đồng. Xót xa, nhưng vẫn phải bán vì càng nuôi càng lỗ. Cách nhà chị Duyên Mạnh không xa, gia đình 2 bác Vĩnh Bảo đón Tết cũng mất vui vì 15 con lợn xuất chuồng dịp Tết giá 27.000 đồng/kg hơi, chưa kể công nuôi, đã lỗ 20 triệu đồng… Với anh Đinh Văn Phú (xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội) thì cảm giác như “ngồi trên đống lửa” khi mà gần 100 con lợn đã ngót nghét 1,2 tạ, nhưng thương lái qua lại vài lần cũng chỉ trả 29.000 đồng/kg.
Được biết, để nuôi con lợn đạt 1 tạ, từ lúc mua lợn giống đến khi xuất chuồng phải mất 5-6 tháng, tiêu tốn khoảng 2,5 triệu tiền cám cộng với tiền mua con giống, mua thuốc thú y khoảng 1,5 triệu đồng là 4 triệu đồng. Với giá bán hiện tại là 32.000 - 35.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi giá sản xuất tương đương 39.000 đồng - người chăn nuôi đang lỗ từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/con.
Cùng với các hộ chăn nuôi lợn thịt, các hộ cung cấp lợn giống hiện cũng chịu tác động tiêu cực từ việc giá lợn hơi giảm. “Lợn giống xách tay năm ngoái tôi bán 1 triệu – 1,5 triệu/con, khách vẫn tranh nhau mua. Nay hơn 20 con giống đã đến ngày xuất bán mà khách chỉ trả 500.000 - 600.000 đồng/con. Ai cũng lo ngại không dám tiếp tục đầu tư vì tới đây không biết giá cả thịt lợn hơi có tăng?” - chị Phùng Thị Minh, hộ cung cấp lợn giống và lợn thịt đã gần chục năm ở xã Thanh Mỹ - chia sẻ.
Không riêng anh Phú, chị Minh, mà hàng ngàn nông dân khác trên cả nước cũng đang nóng lòng vì giá lợn hơi giảm đã kéo dài gần 2 tháng. Những hộ có heo dưới 1 tạ vẫn đang cố gắng duy trì đàn đợi tăng giá (dù tiền cám mỗi ngày lên tới 1-2 triệu đồng), những hộ lợn đạt 1,2 - 1,3 tạ đành phải ngậm ngùi cân lợn theo giá thương lái định đoạn.
Và nỗi lo tái đàn
Đầu tư hết vốn, vay lãi, thậm chí thế chấp sổ đỏ để nuôi lợn, nhưng hầu hết những người chăn nuôi khi được hỏi đều chia sẻ, vì thấy các hộ khác chăn nuôi lợn cho hiệu quả cao, nuôi lợn ăn cám sống là chủ yếu như hiện nay lại không quá vất vả…, nên đua nhau nuôi. Thực tế này dẫn đến việc khi thị trường có biến động xấu, người chăn nuôi là đối tượng đầu tiên chịu thua thiệt.
“Lợn ăn sổ đỏ” là cách ví von của nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Ba Vì (Hà Nội), nghe xót xa nhưng đó lại là sự thật, khi mà người chăn nuôi đang đặt sổ đỏ để đầu tư cho trang trại lợn với bao nhiêu kỳ vọng… nhưng giá lợn hơi lại giảm kỷ lục.
Mặc dù từ trung tuần tháng 2/2017, giá lợn hơi có nhích lên một chút, nhưng vẫn chỉ ở mức 32.000 - 35.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều trang trại lợn đã treo máng, người chăn nuôi lại tiếp tục đứng trước trăn trở lớn: “Nuôi con gì để kết quả thu hoạch không còn là những câu chuyện buồn?”. Trong khi người chăn nuôi chưa hết buồn thì các nhà quản lý lại đã vội lo bởi làm thế nào để giúp người chăn nuôi tái đàn, tránh tình trạng thiếu nguồn cung trong thời gian tới và lớn hơn cả là làm thế nào để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững không còn cảnh lúc thì thừa không bán được giá rớt thê thảm, lúc lại thiếu nguồn cung người tiêu dùng phải ăn giá cao.
Theo các chuyên gia, giá lợn hơi giảm có 2 nguyên nhân chính: Năm 2015 và đầu năm 2016, giá lợn hơi tăng cao nên bà con đổ xô chăn nuôi lợn, nhân đàn khiến sản lượng lợn năm 2016 đã tăng trưởng nóng. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu thịt lợn lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc lại giảm lượng lớn lợn nhập khẩu vào cuối năm 2016. |