Ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định số 144). Đây là bước tiến mới, thể chế hóa, chuẩn hóa những nội dung hết sức hệ trọng, cốt lõi trong việc xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là một cẩm nang quan trọng để cán bộ, đảng viên trau dồi, thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn hiện nay.
“Gốc” của người cách mạng
Ngay từ rất sớm, để tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng, xác định đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi, là yêu cầu số một, tiên quyết trong các vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người đã nhiều lần khẳng định đạo đức là “gốc” của người cách mạng, và để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”, việc xây dựng đạo đức trong Đảng, trong đội ngũ luôn đặt ra và đòi hỏi tính cấp thiết, phù hợp với thực tiễn của cách mạng: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong Di chúc thiêng liêng, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Tuy nhiên, đạo đức cách mạng không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của cả một quá trình bền bỉ học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện không ngừng của người cán bộ, đảng viên. Và để nâng cao đạo đức cách mạng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thứ “kẻ thù” nguy hại đẻ ra “hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm”, phải luôn thực hành vấn đề có tính quy luật là “xây” đi đôi với “chống”…
Những chỉ dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng vẫn nguyên những giá trị to lớn trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ uy tín và năng lực lãnh đạo nhân dân trên con đường: “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng cộng đồng vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển”.
Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam suốt 94 năm qua, từ khi có Đảng lãnh đạo, đội ngũ những người ưu tú của Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên bao kỳ tích, làm rạng ngời lịch sử dân tộc, biết bao cán bộ, đảng viên đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do, vì sự phát triển hùng cường của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Tên tuổi, chiến công của họ đã đi vào lịch sử, sống mãi trong lòng dân, là biểu tượng của lý tưởng, văn hóa cao đẹp của Đảng, lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng để các thế hệ tiếp bước noi theo. Dẫu vậy, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Gần đây nhất, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 44 tổ chức đảng và 164 đảng viên. Trong đó, có 13 ủy viên Trung ương Đảng, 17 nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 19 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; cho thôi giữ chức vụ 19 người. Đáng nói, đây là con số tăng cao so với nhiệm kỳ Đại hội XII, cho thấy, tính nghiêm minh trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong Đảng, đúng như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" không ngừng nghỉ, kết quả lớn nhất mà nó đem lại là xây đắp niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đó là nhân tố cốt lõi để tập hợp sức mạnh toàn dân xây dựng đất nước hùng cường.
Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Đảng. Ảnh: Phạm Cường |
Thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng
Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định mới để đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó, tập trung vào phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, với phương châm cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu...
Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Đảng ta đã có những chủ trương, quyết sách rất quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điển hình là các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Nghị quyết số 35/NQ-TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; và gần đây là các Kết luận số 21-KL/TW, Kết luận số 12-KL/TW; Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm từ chức đối với cán bộ... là những bước phát triển rất mới về nhận thức, tư duy, lý luận và hành động của Đảng trong xây dựng, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong và lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, ngày 9/5/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đây là bước tiến quan trọng thể chế hóa nhằm chuẩn hóa các chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, phù hợp với thực tiễn cách mạng trong tình hình mới. Sự chuẩn hóa các chuẩn mực đạo đức trong Quy định số 144 là sự kế thừa, cô đọng, khái quát hóa các quy định trước đây của Đảng về xây dựng đạo đức trong Đảng với 6 điều, 15 khoản, đồng thời, được cụ thể hóa bằng các quy chuẩn rất chi tiết, dễ vận dụng, thực thi.
Chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Quy định số 144-QĐ/TW tiếp tục khẳng định nền tảng, kế thừa sâu sắc di sản Hồ Chí Minh: Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh...; nhân lên giá trị những giá trị đạo đức đã trở thành tinh hoa của dân tộc (Yêu nước; tự hào dân tộc; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm). Bên cạnh đó, tiếp thu những giá trị mới phù hợp với xu thế thời đại, với tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay (Đổi mới, sáng tạo, tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đường lối đối ngoại của Đảng phù hợp với luật pháp quốc tế…).
Có nhiều nội dung trước đây được nêu, được đề cập trong một số Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, nay chuẩn hóa trở thành chuẩn mực trong Quy định số 144 (Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức… Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm). Đồng thời có một điểm nhấn, điểm đột phá khi chuẩn hóa thành một thước đo đạo đức của đảng viên: Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Quy định số 144 đã chuẩn hóa những vấn đề cốt lõi, rường cột về đạo đức cách mạng đối với người cán bộ, đảng viên, đó là sự nêu gương: Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng. Những vấn đề cốt yếu luôn được đề cao, đặc biệt quan trọng đối với Đảng, đối với từng cán bộ, đảng viên được đặt ra: Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển” hóa trong nội bộ.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 144 là cẩm nang quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên trong thực tiễn cuộc sống, trong công tác, trong thực thi nhiệm vụ được giao phải luôn “tự soi, tự sửa” để làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội, xứng đáng là người “đày tớ”, người “công bộc” trung thành của Nhân dân.