Cần linh hoạt và sáng tạo trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Là một loại dược liệu quý chứa nhiều dược tính tốt cho sức khỏe, nấm linh chi đang là sản phẩm được thị trường hết sức ưa chuộng. Nhận thấy tiềm năng từ mô hình này, anh Phạm Xuân Anh - huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn đăng kí lớp dạy học nghề trồng nấm miễn phí từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Krông Ana. Sau khi khóa học kết thúc, anh nhanh chóng thực hành, áp dụng những kiến thức được học để mở trang trại sản xuất với diện tích 500m2 và sản lượng thu hoạch trung bình 200kg/năm.
Anh Phạm Xuân Anh – huyện Krông Ana tại trang trại trồng nấm linh chi |
“Sau khi được học nghề, chúng tôi được tiếp cận và trang bị các kiến thức chuyên sâu hơn, đồng thời, cảm thấy tự tin hơn khi áp dụng những kỹ năng được đào tạo, huấn luyện bài bản so với việc chúng tôi tự mình học hỏi”, anh Phạm Xuân Anh – huyện Krông Ana – chia sẻ.
Cũng theo anh Phạm Xuân Anh, nhờ tận dụng tốt thế mạnh từ các phế phụ phẩm tại địa phương như rơm rạ, mùn cưa cũng như nguồn lao động tại chỗ, mọi chi phí sản xuất của trang trại đều được tối ưu hóa. Nhờ những kiến thức được học bài bản, chúng tôi dễ dàng kiểm soát cân bằng các yếu tố về độ ẩm, ánh sáng một cách kĩ lưỡng. Chính vì vậy, trang trại của chúng tôi hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể về kinh tế. Đến nay, lợi nhuận từ việc trồng nấm gấp 10 - 15 lần so với làm lúa.
“Không giữ bí quyết cho riêng mình, tôi còn cùng các bà con trong xóm thành lập tổ hợp tác trồng nấm linh chi. Từng bước nhân rộng mô hình, cung cấp nguồn giống, khoa học kĩ thuật cũng như hỗ trợ nhau tìm thị trường tiêu thụ”, anh Phạm Xuân Anh cho biết.
Sản phẩm nấm linh chi của trang trại nấm gia đình anh Phạm Xuân Anh – huyện Krông Ana |
Nói về việc này, bà Hồ Thị Mỹ Hạnh - Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) - cho hay, cùng với việc vận động, dạy nghề người dân để họ có thể thực hành tại nhà, giúp đỡ kỹ thuật để người nông dân có thể trồng ra được nấm. Thời gian đầu chúng tôi còn hỗ trợ luôn cả việc tìm kiếm đầu ra cho bà con nông dân. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ thì đến nay người nông dân đã tự tạo đầu ra cho sản phẩm.
Có thể thấy, những buôn làng trước đây vốn chỉ quen với những loại cây trồng truyền thống như lúa, cà phê, giờ đây đã có thêm những nghề mới mang lai cơ hội cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả dựa trên thế mạnh địa phương.
Là một trong những hộ tham gia trồng nấm, ông Huỳnh Tú Quốc - huyện Krông Ana – cho hay, các chương trình đào tạo nghề nông nghiệp tại khu vực nông thôn giúp bà con nông dân có được kiến thức, kỹ năng từ đó tăng kinh tế gia đình.
Theo ông Nguyễn Viết Đồng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Krông Ana – cho biết, bà con triển khai học nghề được hỗ trợ tư vấn thành lập tổ hợp tác xã, tại đây mọi người cùng đoàn kết giúp đỡ nhau cả trong khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Có thể thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước.
Trong những năm qua, từ đồng bằng tới miền núi, ven biển, hải đảo, nhiều lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, khởi nghiệp theo các chính sách quy định. Ngư dân được trang bị kiến thức về pháp luật, khoa học kĩ thuật để vươn khơi bám biển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, và hướng ra biển.
Theo ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiến trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 chữ “biến” gồm: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, để tiếp cận những tư duy mới về nông nhiệp không cách nào khác, chúng ta phải giúp cho bà con tiếp cận hay nói cách khác đó là hành trình tri thức hóa người nông dân.
"Tri thức hóa người nông dân, hướng đến người nông dân chuyên nghiệp không phải tất cả đều phải vào giảng đường, vào lớp học. Những cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp, với các chuyên gia của bà con cũng là quá trình học hỏi. Việc dạy nghề, đào tạo nghề nông nghiệp cho bà con nông thôn cũng cần linh hoạt và sáng tạo trong từng vùng miền", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, hàng chục triệu nông dân đã được tham gia các khóa đào tạo nghề nông nghiệp. Tri thức là cầu nối để người nông dân nâng cao khả năng thích nghi, bước qua ranh giới của sự cũ mòn để thay đổi tư duy, làm chủ tư liệu sản xuất. Là con đường để những giấc mơ làm giàu không còn là sự đánh đổi bởi những hành trình xa xứ.
Chúng ta tin tưởng cho rằng, với những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, sự đồng hành của các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp, thì người nông dân sẽ không còn cô đơn trên con đường thay đổi số phận. Từ đó đưa ra một định nghĩa mới về nghề nông, một nghề cần sự chuyên nghiệp và đáng để tự hào. Tạo nền tảng để xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh.