Tỷ trọng vay ngoài nước đã giảm
Về kết quả thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngân sách Nhà nước 3 năm 2016-2018 và tính bền vững của ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, những kết quả đã đạt được trong 3 năm 2016-2018 là khá tích cực. Một số chỉ tiêu đã đạt được trước thời hạn.
Tính bền vững của ngân sách Nhà nước được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô. Thu ngân sách nhà nước 3 năm đều vượt dự toán, đạt khoảng 54 - 55% kế hoạch (trong khi giá trị GDP đạt 52-53% kế hoạch).
Liên quan tới việc một số đại biểu nêu ý kiến về số tăng thu ngân sách Nhà nước trong 3 năm qua chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận điều này là đúng vì khoản thu này phụ thuộc nhiều vào thị trường và điều hành của chính quyền từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại Quốc hội |
Theo đó, tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển tăng, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ hơn, cả số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015 bội chi ngân sách Nhà nước là 5,79% GDP thì năm 2018 dự kiến chỉ còn 3,67% GDP.
Đồng thời, các khoản nợ công được kiểm soát chặt chẽ; bố trí trả nợ đầy đủ. Nhờ vậy, tốc độ tăng nợ công đã giảm gần một nửa, từ mức 18% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 9,6% của 3 năm 2016-2018. Đáng chú ý, tỷ trọng vay nước ngoài của Chính phủ đã giảm từ 61% năm 2011, xuống còn khoảng 40% trong 9 tháng đầu năm 2018, góp phần làm giảm sức ép rủi ro biến động tỷ giá và lãi suất trên thị trường quốc tế.
Giải trình về nghĩa vụ chi trả nợ gốc có xu hướng tăng nhanh khiến một số đại biểu Quốc hội băn khoăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu nguyên nhân, trong giai đoạn 2012-2014, trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam đã phải huy động một lượng lớn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 - 5 năm, dẫn đến nhu cầu chi trả nợ gốc chủ yếu rơi vào thời điểm hiện nay. Đồng thời, các khoản vay ODA trước đây hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc, cùng với việc phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay ODA, nên áp lực trả nợ gốc gia tăng.
"Tuy nhiên, so với những năm trước, áp lực huy động cho ngân sách Nhà nước, bao gồm vay cho bù đắp bội chi và trả nợ gốc - hay nôm na là vay đảo nợ, đã giảm mạnh”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Tháng 7/2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định tình hình tài chính công của Việt Nam trong trung hạn ở mức ổn định, rủi ro khủng hoảng nợ ở mức thấp.
Về chỉ tiêu nợ nước ngoài đã sát ngưỡng cho phép 50% GDP, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để giải quyết thực trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.
Quản lý vốn ODA thiết thực, hiệu quả
Về quản lý vốn ODA, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải, khi khoản vay được Chính phủ Việt Nam tiếp nhận về, thì việc phân bổ, giao dự toán và quản lý nguồn vốn ODA từ trước đến nay vẫn được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán chi đầu tư phát triển hàng năm.
Theo Bộ trưởng, thực tế trong 3 năm 2016-2018, dự toán nguồn vốn ngoài nước là 60 nghìn tỷ đồng/năm, nhưng tỷ lệ giải ngân đều thấp hơn dự toán. Trường hợp bổ sung thêm kế hoạch trung hạn 60 nghìn tỷ đồng, thì số dự toán năm 2020 sẽ tăng mạnh, chưa tính đến số lũy kế chưa giải ngân của các năm 2016-2018. “Vì vậy, chúng tôi nhất trí ý kiến của một số đại biểu cho rằng cần rà soát thật cụ thể, lựa chọn bổ sung vào kế hoạch trung hạn và bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án thực sự cần thiết, cấp bách, thuộc diện ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngoài nước và đáp ứng các điều kiện giải ngân tốt”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Đối với các dự án vốn ngoài nước cấp phát cho địa phương một phần và cho vay lại một phần, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc điều chỉnh tăng kế hoạch vốn ngoài nước đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để đảm bảo tiến độ giải ngân và giữ các chỉ tiêu bội chi, nợ công, nợ chính quyền địa phương đã được Quốc hội quyết định.
Với nguyên tắc bổ sung kế hoạch vốn ngoài nước trên cơ sở giảm kế hoạch nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nên về cơ bản, các mục tiêu bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công đến năm 2020 sẽ không bị tác động. Tuy nhiên, để tránh các áp lực trong việc thực hiện các mục tiêu giảm dần bội chi, nợ công từ năm 2021 trở đi theo Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, không chỉ đánh giá các tác động bội chi, nợ công trong kỳ trung hạn 2016-2020, mà phải đánh giá các tác động bội chi, nợ công của toàn bộ kỳ hiệp định đối với các dự án xem xét bổ sung vào kế hoạch trung hạn 2016-2020; trên cơ sở đó rà soát, lựa chọn, bổ sung các dự án thỏa mãn các điều kiện về tính cần thiết, cấp bách, ưu tiên sử dụng vốn ngoài nước, đủ điều kiện giải ngân; đồng thời các tác động của tổng quy mô giá trị vốn vay theo hiệp định đối với bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công ở mức hợp lý.