Cần thương mại hóa các sản phẩm truyền thống
Gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP
Mở rộng thị trường
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu, cho biết: Trung tâm OCOP Bình Liêu được đầu tư theo hình thức đầu tư công - quản lý tư. Trung tâm giúp người dân địa phương cũng như các địa phương khác có cơ hội tìm hiểu và sử dụng các nông sản có chất lượng cao, giá thành hợp lý… Hiện Trung tâm OCOP Bình Liêu bày bán các nông sản đặc trưng của huyện theo các lĩnh vực ẩm thực, đồ uống, thực phẩm chức năng, lưu niệm du lịch, như: miến dong, mật ong, trà vối, trà nhân trần, lá tắm, túi thơm hồi quế, quần áo người Tày - Sán Chỉ, mũ tài mầu, đàn tính... và nhiều sản phẩm của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Trung tâm OCOP Bình Liêu, sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, trung tâm đã thu hút được gần 1.000 lượt người đến tham quan và mua sản phẩm, doanh thu khoảng 150 triệu đồng. Để trung tâm hoạt động hiệu quả hơn, thời gian tới huyện Bình Liêu tiếp tục quảng bá, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chuẩn bị tốt các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mở rộng thị trường.
Ngoài Bình Liên, thị xã Quảng Yên là đơn vị thứ ba trong tỉnh khai trương trung tâm OCOP. Các sản phẩm được bày bán ở trung tâm là: Nem chua Quảng Yên, trứng gà Tân An, hà Hoàng Tân, rau an toàn Quảng Yên, bánh gio Hà Nam, gạo chất lượng cao Quảng Yên, mật ong Hoàng Tân, mây tre đan Nam Hoà... Bà Đỗ Thị Thanh Hằng - Quản lý Trung tâm OCOP Quảng Yên cho hay: Dù trung tâm OCOP Quảng Yên mới đi vào hoạt động nhưng bước đầu cho thấy những kết quả tích cực. Hầu hết các sản phẩm OCOP của địa phương được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Tăng cường quảng bá sản phẩm
Ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh xác định, muốn phát triển sản xuất cho các địa phương miền núi phải gắn với tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy Quảng Ninh đã lựa chọn một số chương trình phát triển sản xuất trọng tâm, đảm bảo phù hợp với các địa bàn, đặc biệt là địa bàn vùng dân tộc, miền núi, biên giới, điển hình là chương trình OCCP. Chương trình được vận dụng và phát triển trên cơ sở chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và Chương trình “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” của Thái Lan với mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.
Các gian hàng OCOP thu hút đông đảo du khách khách tham quan, mua sắm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP cũng gặp một số khó khăn do hầu hết các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ cũ, lạc hậu, mẫu mã không bắt mắt, chưa có giá trị xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, thông tin về sản phẩm còn thiếu và mờ nhạt. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút người tiêu dùng cũng như khách du lịch đến các trung tâm OCOP, các địa phương cần phối hợp với đơn vị tư vấn, xây dựng trang web giới thiệu hoạt động và sản phẩm của trung tâm; phối hợp với các địa phương và các cơ sở sản xuất quan tâm đến thị trường, chuẩn bị tốt nguồn hàng chất lượng để giới thiệu và bán tại trung tâm.
Ông Lê Huy Ngọ - Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh, Quảng Ninh cần chú trọng hơn nữa việc thương mại hoá các sản phẩm truyền thống, quảng bá các sản phẩm như tăng cường tiếp thị, quảng bá, các chương trình kích thích mua sắm… qua đó, nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống và giúp cải thiện đời sống người nông dân.