Cao Bằng: Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao tại kênh phân phối
Theo Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, các hiệp hội trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các chương trình, hội chợ triển lãm thương mại với mục tiêu giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành trong cả nước.
Điển hình như chuỗi phiên chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh Cao Bằng và không gian trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản bên lề Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương thu hút đông đảo người dân, du khách và các đại biểu đến tham quan, mua sắm.
Chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức 29 hội chợ, phiên chợ với trên 2.000 gian hàng, thu hút hơn 1.900 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam và hàng hóa của tỉnh tham gia.
Các sự kiện xúc tiến thương mại trở thành cầu nối cho hàng Việt Nam ra thị trường (Ảnh: Báo Cao Bằng) |
Các sự kiện này được tổ chức đã tạo điều kiện cho hơn 200 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh tại các hội nghị, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm. Trong đó có Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023 với sự tham gia của 7 doanh nghiệp Cao Bằng thu hút trên 3.000 lượt tham quan, mua sắm.
Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục sự kiện kết nối cung cầu hàng Việt được tổ chức, giúp quảng bá cho sản phẩm, hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, giúp người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hoá Việt chính hãng.
Đặc biệt, điểm sáng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là qua nhiều năm triển khai, đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn ngày càng được tiếp cận, sử dụng hàng hóa trong nước với giá thành hợp lý. Các thương hiệu Việt có cơ hội khẳng định chất lượng, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm cho người dân cũng như tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 5 siêu thị, 81 chợ, khoảng 7.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó 90 - 95% hàng thiết yếu có xuất xứ trong nước. So với những năm trước, độ phủ sóng của hàng Việt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Các khu chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tạp hóa... bày bán đa dạng các mặt hàng có nguồn gốc Việt Nam, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.