Côngthương - Châu Âu đang trải qua thời kỳ khó khăn của nợ công và lạm phát. Các quốc gia trong khu vực buộc phải thực hiện các biện pháp cắt giảm ngân sách khắc nghiệt nhằm ngăn chặn nỗi lo tăng nợ công và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tập trung vào kiểm soát lạm phát hơn là thúc đẩy tăng trưởng.
Các nhà kinh tế cho rằng, 17 quốc gia khu vực Eurozone sẽ khó tránh khỏi đà tăng trưởng tiếp tục sụt giảm trong thập kỷ này.
Nếu đồng euro bị xoá sổ thì chi phí thiệt hại đối với các thành viên trong Liên minh tiền tệ là không thể thống kê được.
Để ngăn chặn nguy cơ này, các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã tiền hành cải cách lại các tổ chức và củng cố hệ thống tài chính hơn nữa. Bằng chứng là Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã tung ra các gói cứu trợ tài chính khẩn cấp nhằm giải cứu cho các nước mắc nợ.
Năm ngoái, mức nợ công cao kỷ lục của Hy Lạp và cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Ireland buộc cả hai nước này phải nhận gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ đôla từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Một số chuyên gia phân tích lo ngại, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực) có thể rơi vào tình trạng tương tự như Hy Lạp và Ireland. Cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều lên kế hoạch bán nợ trong tuần này nhằm giải quyết các vấn đề tài chính.
Bất chấp những căng thẳng mới có thể phát sinh, các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực tìm cách bảo đảm sự sống còn của đồng tiền chung, vì nếu từ bỏ đồng euro nền kinh tế khu vực sẽ rơi vào thảm hoạ.
Thảm hoạ này không chỉ làm tiêu tan 60 năm nỗ lực chính trị để xây dựng một châu Âu thống nhất và hòa bình mà còn làm gián đoạn hệ thống kinh tế và tài chính trong khu vực vốn gắn bó sâu sắc với nhau kể từ khi đồng euro xuất hiện vào năm 1999.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel phát biểu trên truyền hình rằng, “Đồng euro không còn nằm trong giới hạn của một đồng tiền đươn thuần nữa. Một châu Âu thống nhất và thịnh vượng đảm bảo cho chúng tôi hoà bình và tự do. Nước Đức cần châu Âu và đồng euro để bảo đảm chủ quyền và khả năng đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu”.
InfoTV