Tính đến thời điểm này, Việt Nam mới có 73 CDĐL được bảo hộ. Ông nhận định thế nào về con số này?
CDĐL là để bảo hộ cho các nông sản, đặc sản địa phương gắn chặt với các yếu tố sinh thái, hình thức bản địa. Hiện nay, chúng ta đã có chương trình hỗ trợ xây dựng CDĐL, con số hơn 70 sản phẩm được xây dựng CDĐL trong vòng 10 năm qua không phải là con số nhỏ.
CDĐL là tài sản quốc gia và sản phẩm nằm tại các địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng vào việc thương mại hóa, xây dựng thương hiệu, làm tăng thu nhập cho người sản xuất, chế biến, đóng góp vào việc phát triển kinh tế địa phương thì không phải sản phẩm nào cũng thành công. Có một số sản phẩm đăng ký nhưng chưa được sử dụng, dán nhãn lên các sản phẩm.
Mới đây, tại Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long, với vai là người tiêu dùng, tôi cũng chưa thấy Hưng Yên sử dụng CDĐL để dán lên sản phẩm. Hiện đã có rất nhiều vùng trồng nhãn, mức độ cạnh tranh tăng lên và chưa kể việc nhãn các địa phương đưa về Hưng Yên, lấy thương hiệu của Hưng Yên và quay lại bán trên thị trường Hà Nội. Việc này khiến giá trị thu nhập của những người trồng nhãn thật của Hưng Yên sẽ bị giảm đi. Muốn tránh hàng giả thì việc đầu tiên hàng thật phải được xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, các sản phẩm phải được dán nhãn và được truyền thông đầy đủ.
Chỉ dẫn địa lý: Cơ hội cho các sản phẩm địa phương. Ảnh Internet |
Việc thiếu hoặc ít mặt hàng có CDĐL sẽ tác động thế nào đến lợi ích của các mặt hàng nông sản xuất khẩu, thưa ông?
Cần khẳng định CDĐL có ý nghĩa đầu tiên là tại thị trường trong nước, nếu khai thác tốt sẽ giúp giá trị sản phẩm tăng lên vài chục lần. Tuy nhiên, CDĐL không phải là phương thuốc “chữa bách bệnh”, sản phẩm muốn xuất khẩu được đầu tiên phải đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng được yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.
Bàn về việc đặc sản địa phương có bảo hộ CDĐL tiến ra thị trường nước ngoài, theo tôi, việc này phụ thuộc vào “gu tiêu dùng” của các thị trường khác nhau. Những nước đã có bảo hộ CDĐL họ sẽ rất thích các sản phẩm CDĐL của các nước. Châu Âu là một ví dụ. Đây là nơi xuất phát của bảo hộ CDĐL. Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có điều khoản thừa nhận lẫn nhau của Hiệp định Sở hữu trí tuệ, trong đó có mục thừa nhận lẫn nhau về bảo hộ CDĐL. Sau ký Hiệp định khung, Việt Nam và EU đã có những trao đổi về điều khoản này. Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cũng đã hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng hồ sơ chuyển sang châu Âu 41 sản phẩm CDĐL đã được bảo hộ ở Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam đổi lại sẽ thừa nhận 171 sản phẩm CDDL của châu Âu trên thị trường Việt Nam. Hiện, các sản phẩm này đang đợi những bước cuối cùng chờ EU phê duyệt. Như vậy 41 sản phẩm này sẽ được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường EU, đây sẽ là lợi thế rất tốt để chúng ta có thể thúc đẩy xuất khẩu.
Những quốc gia thúc đẩy sản phẩm địa phương như: Nhật Bản, Hàn Quốc… họ coi trọng CDĐL thì việc sản phẩm Việt Nam có CDĐL sẽ rất có lợi tại các thị trường này.
Tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, họ không có CDĐL nên họ chỉ thừa nhận các sản phẩm công nghiệp là chính, do đó, việc có hay không có CDĐL tại thị trường này sẽ không có giá trị nhiều.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những CDĐL nước ta đã có?
Thực tế, so với châu Âu họ có vài trăm sản phẩm có CDĐL, nhưng họ cũng mất vài trăm năm để có được con số đấy. Tuy nhiên, ở châu Âu họ bảo hộ theo logic ngược lại, tức là người sản xuất phải có nhu cầu thực sự, tự thành lập hiệp hội và hiệp hội đó tự đi đăng ký thì nhà nước chỉ làm thủ tục đăng ký. Như vậy, hiệp hội khi đó đã phải rất mạnh, sản phẩm đã phải có uy tín trên thị trường. Do đó, nếu so sánh thì tốc độ xây dựng CDĐL của họ thực tế là chậm hơn Việt Nam nhiều, nhưng được sản phẩm nào là chắc sản phẩm đấy, và bản thân người sản xuất tại đây, họ đủ năng lực mới đi đăng ký CDĐL.
Trong khi đó, chúng ta lại làm ngược lại, nhà nước hỗ trợ đăng ký về mặt thủ tục đủ điều kiện, hồ sơ, tuy nhiên, năng lực thương mại của nông dân, HTX, doanh nghiệp tại các địa phương còn quá nhỏ, do đó, sau khi đăng ký song thì không khai thác được và cất vào trong tủ.
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam |
Theo ông, giải pháp nào có thể gia tăng được số lượng cũng như chất lượng các CDĐL của nước ta?
Theo kinh nghiệm các nước cho thấy, các HTX, doanh nghiệp nhỏ không đủ năng lực tài chính để làm việc này, do đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ việc sử dụng địa lý thông qua việc truyền thông các sản phẩm này đến với người tiêu dùng. Thực tế, nhiều sản phẩm người tiêu dùng cũng không biết là đã có CDĐL, lợi ích của CDĐL. Vì vậy, chúng ta cần phải chuyển hóa từ cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ sang cơ chế thị trường chấp nhận.
Do đó, cần sự vào cuộc của các hiệp hội, ngành hàng, đặc biệt là ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp. Cần thúc đẩy các chính sách khai thác sử dụng, tăng cường năng lực cho người sử dụng, hộ nông dân, doanh nghiệp chế biến, thương mại ở các địa phương….
Hiện nay, việc hỗ trợ này cũng khá thuận lợi vì chúng ta đang có Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Chương trình OCOP về nguyên lý là thúc đẩy sản phẩm của địa phương và cũng rất gần với việc khai thác và sử dụng các CDĐL, nếu địa phương nào có sản phẩm đã đăng ký CDĐL rồi thì nên đưa ngay vào Chương trình OCOP để được hỗ trợ năng lực marketing, sản xuất, nâng cao chất lượng…
Xin cảm ơn ông!
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Chúng ta đặt câu hỏi CDĐL thuộc sở hữu là ai? Theo tôi, CDĐL là tài sản quốc gia nhưng sở hữu là UBND tỉnh, người hưởng lợi trực tiếp là những người sản xuất. Việc chống hàng “nhái” thì đầu tiên những người có sản phẩm thật ý thức được việc cùng nhau hành động, phải tự tổ chức, cung ứng sản phẩm thật thông qua vai trò của các hội, hiệp hội, bên cạnh đó là vai trò của quản lý thị trường trong việc kiểm soát sử dụng nhãn mác sản phẩm. |