Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương đã đột kích “thiên đường mua sắm” Sài Gòn Square và thu giữ gần 2.000 sản phẩm hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu… Đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục Quản lý thị trường có những “trận đánh lớn” vào các trọng điểm hàng nhái hàng giá. Ông đánh giá gì về sự quyết liệt này của lực lượng quản lý thị trường ở thời điểm cuối năm, khi mà hàng nhái hàng giả diễn biến rất phức tạp?
Chuyên gia Vũ Vinh Phú |
Buôn lậu, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu, gian lận thương mại… là vấn đề năm nào cũng diễn ra và cuối năm là thời điểm dồn dập hơn, cường độ mạnh hơn, thủ đoạn tinh vi hơn.
Thực tế, hàng nhái, hàng giả, hàng lậu… đã được đưa vào nước ta từ thời điểm quý 2, quý 3 theo nhiều con đường, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đặc biệt gần đây là qua thương mại điện tử. Hàng nhái, hàng giả, hàng lậu… tập trung vào rất nhiều nhóm sản phẩm khác nhau như thực phẩm tươi sống, vải sợi may mặc, đồ chơi trẻ em, pháo nổ… Ở khu vực Tây Nam bộ, hàng lậu còn có đường, thuốc lá… Và thời điểm này, các loại hàng hóa này bắt đầu tung ra để tiêu thụ cho dịp cuối năm. Thị trường hàng hóa ở thời điểm cuối năm luôn tiềm ẩn rất nhiều yếu tố phức tạp.
Do đó, việc Tổng cục quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra kiểm soát thị trường và tổng tấn công vào các điểm nóng về hàng nhái hàng giả thời điểm này là kịp thời, giúp bảo vệ người tiêu dùng trong dịp cuối năm, khi nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao.
Việc này cũng một lần nữa khẳng định hiệu quả của việc tổ chức lực lượng quản lý thị trường theo mô hình ngành dọc giúp mang lại những kết quả tích cực khi sự chỉ đạo được thực hiện tập trung, sâu sát và xuyên suốt, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Tổng cục quản lý thị trường "đột kích" Sài Gòn Square, thu giữ hơn 2.000 sản phẩm hàng nhái, hàng giả |
“Trận đánh” này cũng có ý nghĩa lớn khi lực lượng quản lý thị trường đã nỗ lực chuyển đổi số trong hoạt động công vụ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ như trang bị máy tính và phần mềm kiểm đếm hàng hóa… Nỗ lực chuyển đổi số trong hoạt động công vụ sẽ có vai trò ra sao trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thị trường thời gian tới?
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và minh bạch hóa hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường.
Tuy nhiên ứng dụng công nghệ thông tin hay chuyển đổi số chỉ chiếm một phần trong hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, trong khi đó, yếu tố con người chiếm đến 80% hiệu quả của hoạt động đó. Bác Hồ cũng đã dạy, đối với công chức viên chức, đạo đức công vụ phải đưa lên hàng đầu.
Ở lực lượng quản lý thị trường, vấn đề đạo đức công vụ càng có vai trò quan trọng. Chính vì vậy, tôi đánh giá rất cao quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc họp với lực lượng quản lý thị trường hồi tháng 7 vì đã đề cao yếu tố đạo đức công vụ. Làm tốt đạo đức công vụ, hiệu quả quản lý thị trường sẽ được nâng cao hơn nữa.
Hoạt động quản lý thị trường, phòng chống hàng nhái hàng giả dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cao điểm cuối năm. Là người đã có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý thị trường, ông có chia sẻ gì về giải pháp để nâng cao hơn nữa hoạt động này trong thời gian tới?
Phải nói là công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu đang ngày càng “nóng”. Hàng nhái, hàng giả, hàng gian lận thương mại… không chỉ được nhập khẩu từ nước ngoài về mà còn được sản xuất ngay trong nước. Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã phanh phui rất nhiều cơ sở sản xuất hàng nhái hàng giả tại La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Phúc)…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý thị trường, tôi cho rằng, thứ nhất, cần phải có sự phối hợp tốt hơn nữa trong các lực lượng: quản lý thị trường, công an kinh tế, hải quan… Đặc biệt, tôi khẳng định lại, điều quan trọng nhất là phải liên tục làm trong sạch đội ngũ quản lý thị trường vì đây là yếu tố tiên quyết cho việc nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống hàng nhái, hàng giả.
Thứ hai, khi lực lượng quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương, việc chỉ đạo được thực hiện xuyên suốt, nhưng đâu đó lại xảy ra tình trạng quản lý thị trường xa rời địa phương. Đây là điều không nên bởi địa phương là nơi nắm rõ nhất tình trạng gian lận ở địa phương mình; người dân chính là tai mắt tinh, nhạy nhất của lực lượng quản lý thị trường. Do đó, phải có sự phối hợp thật tốt giữa lực lượng quản lý thị trường với địa phương, với nhân dân trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thứ ba, chế tài xử lý tình trạng buôn lậu, hàng nhái hàng giả, gian lận thương mại… phải nặng hơn và phải công khai minh bạch. Điều cay đắng nhất hiện nay là mức xử phạt quá nhẹ, không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà các gian thương có được, cho nên không đủ sức răn đe. Chính vì vậy, hàng nhái hàng giả, hàng gian lận… đang dần giết chết sản xuất trong nước, giết chết người làm ăn chân chính.
Thứ tư, cũng phải khẳng định rằng, trong lực lượng quản lý thị trường, có địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt. Do đó, cơ chế thưởng phạt phải được thực hiện tốt hơn, để động viên kịp thời các nơi làm tốt.
Thứ năm, không thể chỉ phó mặc cho lực lượng quản lý thị trường mà doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước cũng phải nỗ lực cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất để sản phẩm làm ra có giá cả cạnh tranh. Đồng thời tổ chức tốt các chuỗi liên kết sản xuất và phân phối hàng Việt ra thế giới, làm cho hàng Việt cạnh tranh tốt trên "sân nhà".
Xin cảm ơn ông!