Mưa nhỏ dùng giẻ, mưa to dùng chăn
Hà Nội những ngày giữa tháng 9, trời mưa nhiều, cũng là lúc toà soạn Vuasanca nhận được nhiều phản ánh của người dân chung cư 361 (địa chỉ số 60 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) về tình trạng căn hộ xuống cấp, nước mưa ngấm qua tường, cửa sổ tràn vào căn hộ. Được biết, chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng.
Phóng viên Vuasanca đã có mặt thực tế để khảo sát, ghi nhận những phản ánh của cư dân chung cư 361 những ngày sau bão. Tại khu vực thang máy sảnh tầng 1, câu hỏi mà chúng tôi thường nghe thấy cư dân hỏi thăm nhau là: “Nhà bác có bị ngấm nước qua cửa sổ không?”, và những câu trả lời gần như chỉ có một đáp án “không mới là lạ”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thi, chủ một căn hộ tại chung cư 361 cho biết: “Tình trạng nước mưa ngấm qua cửa sổ chảy vào căn hộ đã diễn ra ngay từ khi chủ đầu tư bàn giao căn hộ. Năm 2019, tôi chuyển nhà về đây, cứ mỗi trận mưa to là nước mưa lại ngấm qua cửa sổ chảy vào nhà. Ban đầu chỉ là lấy giẻ, quần áo để thấm nhưng theo thời gian các vết ngấm càng rộng hơn, nước chảy vào nhiều hơn nên giẻ lau thấm không xuể phải dùng chăn hoặc phải dùng xô, chậu để vắt nước… Cơn bão số 3 vừa qua, mưa lớn, cả nhà tôi phải thay nhau thức đêm để hứng nước mưa ngấm qua cửa sổ, cả chục lít nước chảy vào nhà nếu không hứng được thì còn gì là sàn gỗ nữa…”.
Theo ghi nhận của phóng viên, cũng giống như gia đình anh Thi, gần 100 căn hộ có ban công quay ra hướng Tây đều đang trong tình trạng bị nước ngấm qua cửa sổ vào bên trong nhà. Những ngày mưa lớn vừa qua, nhiều căn hộ không có người ở nhà để thấm và hứng nước dẫn đến tình trạng nước chảy vào nhà hỏng hết sàn gỗ gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Chị L.N.V - chủ một căn hộ cho biết: “Ban công căn hộ nhà tôi không phải hướng Tây nhưng đợt mưa bão vừa qua nước ngấm qua cửa sổ chảy ra hành lang và tràn vào nhà, khiến cho nhà tôi bị hỏng và phải thay một phần sàn gỗ, tôi rất bức xúc với chất lượng nhà”.
Cứ trời mưa, cư dân chung cư 361 lại phải lấy rẻ, lấy chăn cũ để thấm nước mưa tràn vào qua cửa sổ. (Ảnh người dân cung cấp) |
Cũng bởi lo ngại tình trạng nước ngấm qua cửa sổ tràn vào nhà mà anh Thi và nhiều hộ dân khác trước khi đi làm đã phải lót, chèn vài giẻ lau cạnh cửa sổ để phòng trường hợp trời mưa rẻ sẽ tự thấm nước.
Nguy hiểm rình rập từ chất lượng tòa nhà
Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân, chủ đầu tư cam kết bảo hành cho các căn hộ 3 năm, nhưng khi người dân phản ánh tình trạng ngấm nước nghiêm trọng như đã nói trên thì chỉ được khắc phục một cách hời hợt, cử nhân viên đến bắn thêm một lớp keo silicon... Những ngày sau nước tiếp tục ngấm và cách khắc phục cũng không có gì thay đổi. Cho đến thời điểm này, nước không chỉ ngấm qua cửa sổ với mức độ nặng hơn mà còn thấm qua tường nhà gây ẩm mốc và hư hỏng cả thiết bị, đường điện… Còn đơn vị bảo hành thì đã “câu giờ” để hết thời hạn 3 năm.
Trong đơn gửi Vuasanca , chị Nguyễn Thị Trang - chủ căn hộ 1414 cho biết: “Suốt 3 năm qua, nước từ căn hộ 1514 nhiều lần chảy xuống hai nhà vệ sinh của gia đình tôi. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây, khi nước chảy xuống có màu nâu và bốc mùi khó chịu. Hai nhà vệ sinh nhà tôi đã bị ẩm mốc, và các bóng điện trần cùng bóng đèn sưởi liên tục có dấu hiệu bị cháy nổ. Sự cố này không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, đe dọa đến sức khỏe do nấm mốc, tính mạng của gia đình tôi và toàn bộ cư dân tại chung cư 361 do nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Gia đình tôi lo ngại tình trạng chập điện do ẩm ướt có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù tôi đã nhiều lần báo cáo sự việc này lên Ban Quản lý và chủ căn hộ 1514 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để”.
Hàng loạt những bất cập nảy sinh ở chung cư 361 khiến cư dân bức xúc. (Ảnh: Đoàn Tuấn) |
Người lớn khốn khổ, trẻ nhỏ cũng ăn không ngon, ngủ không yên với tình trạng nhà xuống cấp tại chung cư 361. Hiệu trưởng Trường mầm non Bibo trong chung cư 361 đã có đơn gửi lên Bản Quản lý chung cư 361, Ban Quản trị chung cư 361 về việc nước thấm dột, chảy tong tong ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường.
Nhiều cư dân lo ngại tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống đã mạo hiểm với qua cửa sổ để trát lại tường, bắn lại keo silicon nhưng cũng không thể khắc phục triệt để mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhiều ý kiến thắc mắc đặt câu hỏi, chung cư có quỹ bảo trì tại sao không sử dụng để khắc phục vấn đề nêu trên?
Tình trạng nước thấm dột, nhà ở xuống cấp đang gây bức xúc cho cư dân tại chung cư 361, nhiều cư dân cho rằng bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư thì không thể không nhắc đến trách nhiệm của Ban Quản lý, Ban Quản trị chung cư 361.
Tất cả những bức xúc, kiến nghị của cư dân nêu trên chúng tôi xin chuyển đến Ban Quản trị, Ban Quản lý tòa nhà, chính quyền địa phương và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng.
Vuasanca sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vấn đề này.